Giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm
- Huyệt vị
- 08:02 - 10/09/2023
Cụ thể, theo khảo sát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo không có biến động so với những hôm trước.
Tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở NN&PTNT tỉnh này, lúa OM 5451 có mức giá 7.800 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá lúa nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg; nếp Long An tươi dao động quanh mốc 7.300 - 7.450 đồng/kg.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giao dịch lúa thu đông các loại chậm, giá lúa các loại bình ổn, thương lái ít mua mới. Giá gạo chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950 - 12.050 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 14.100 - 14.200 đồng/kg…
Tại Cần Thơ, giá gạo OM 18 có xu hướng tăng. Nhu cầu hỏi mua gạo thành phẩm ít, nguồn gạo nguyên liệu không nhiều, kho mua ổn định.
Đối với thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, những ngày qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 628 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 613 USD/tấn.
Theo Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), trên thị trường gạo châu Á tuần qua, giá gạo xuất khẩu các nước giảm mạnh, chỉ có giá gạo Ấn Độ neo ở mức cao.
Bộ NN&PTNT khuyến cáo, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp theo dõi diễn biến giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu, đồng thời cân đối nguồn cung-cầu, bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Phân tích và nắm bắt những chuyển dịch của thị trường nhập khẩu để điều tiết hợp lý, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lúa gạo những tháng cuối năm.