THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:53

Ghi ở “Thủ đô mùa hè”

 

Miền huyền thoại

Tên gọi của địa danh Sa Pa được cắt nghĩa bằng nhiều nguồn gốc. Sau dân tộc thiểu số, lớn nhất là người Mông thì người Hoa có mặt ở đây khá sớm. Ngày ấy, trung tâm để kiến tạo lên sự sầm uất của một địa danh có tiếng này chỉ là một bãi cát pha đất.

Ngày ấy, người bản địa và một số dân vãng lai khác hay tìm lên đây tụ hợp, mua bán và uống rượu vào ngày cuối tuần. Để đánh dấu khu vực này, người ta đã dùng tiếng Quan Hỏa để gọi với tên Sa Pả, nghĩa là “bãi cát”. Sau này, người Pháp lên đây, trong một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số ở khu vực này đã phát hiện ra Sa Pa vào năm 1898. Tôn trọng lịch sử, họ đã dùng phát âm và cách đặt tên của người bản địa ở Sa Pa để đặt tên. Nhưng do tiếng Pháp phát âm và viết không có dấu nên từ Sa Pả đã được gọi, viết thành Sa Pa, tên chính của miền đất này bắt đầu có từ đó.

Trước khi có tên gọi Sa Pa, người ta còn dùng tên “hùng hồ” để đặt cho miền đất này. Tên gọi này xuất phát bởi cũng vào thời hoang sơ ấy, ngay trung tâm thị trấn Sa Pa bây giờ có một mạch nước ngầm màu đỏ phun ra. Thấy nước đỏ, người bản xứ dùng tiếng Quan Hỏa “hùng hồ” - “suối đỏ” để gọi. Như vậy, ngoài tên Sa Pa thì trước đây thị trấn này còn có tên là “suối đỏ”.

Sa Pa được người Pháp phát triển thành nơi du lịch từ năm 1903, bắt đầu từ việc đuổi dân và xây nhà nghỉ. Pháp bị ta đánh đuổi, trải qua cuộc chiến chống Mỹ cũng như những bó buộc của cơ chế bao cấp đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới, vùng du lịch Sa Pa dường như bị bỏ quên. Đến năm 1990, với những thay đổi cơ chế và cách nhìn nhận về du lịch, đất Sa Pa hồi sinh. Không chỉ là miền đất du lịch hấp dẫn trong nước, Sa Pa còn là nơi thu hút “thị hiếu” du lịch của người nước ngoài trong đó đáng chú ý nhất là người của các quốc gia như Anh, Italia, Thuỵ Sỹ, Nga, Nhật Bản và Singapore.

Biệt thự cổ nay thành... “của độc” ở Sa Pa.  

Sa Pa là miền đất của rất nhiều huyền thoại, mà sự tìm hiểu về địa danh cũng đã tạo ra cho người ta những điều hết sức kì thú. Ngay đỉnh Phan Xi Păng, được coi là nóc nhà của Đông Dương (cao 3.143m) cũng đầy những ẩn số. Ngoài cái tên Phan Xi Păng hay được gọi thì người ta còn dùng tên Phan Si Phăng để gọi cho ngọn núi cao nhất của miền đất này.

Sở dĩ cùng một đỉnh núi nhưng có hai tên gọi này bắt nguồn từ hai nguồn gốc. Ngoài cái tên “phiến đá khổng lồ chênh vênh” - cách gọi của dân bản xứ, theo hiểu biết một số người thì tên Phan - Si - Phăng được gọi là do công lao được ghi nhận từ một nhà thám hiểm địa phương.

Ngày ấy, Pháp lên, nhìn thấy ngọn núi cao ngất này họ rất muốn khám pháchinh phục. Nhưng do không biết đường nên họ đã đi tìm người để đưa đường. Sau cả chuỗi thời gian kiếm tìm họ mới được một người địa phương có tên là Phan Sĩ Phằng nhận đưa đường.

Khi chinh phục, đo độ cao, khí hậu, tốc độ gió, thực vật và động vật… xong, về tới nơi an toàn họ vô cùng cảm kích với người đưa đường mạo hiểm có tên là Phằng kia. Để ghi ơn và ghi dấu ấn, họ đã dùng tên của anh ta để đặt cho ngọn núi này?! Và cũng lại do cách viết, nói không dấu nên Phan Sĩ Phằng đã được gọi là Phan Si Phăng là vậy.

Có một Sa Pa khác

Để miền đất được mệnh danh là “Thủ đô mùa hè Bắc kì” phát triển đúng nghĩa nên Pháp đã dồn tâm, dốc sức để kiến tạo nên. Để Sa Pa chính thức trở thành Sa Pa, người Pháp đã không can thiệp dữ dội vào miền đất này. Ngoài việc tận dụng địa hình, địa vật để xây dựng biệt thự, nhà nghỉ thì họ đã sử dụng biện pháp tận dụng vật liệu tại chỗ.

Những viên đá đủ kiểu hình, chủng loại có ở Sa Pa đều được họ biến thành vật liệu xây nhà, hạn chế chở các vật liệu có sẵn từ nơi khác đến. Chính do việc tận dụng vật liệu và “quan điểm” về kiến trúc này đã tạo ra cho miền đất Sa Pa những biệt thự “khoe đá” ít nơi nào có được. Việc tận dụng vật liệu và kiến trúc “hòa mình” với tự nhiên này của người Pháp mà chỉ trong một thời gian ngắn, người ta đã để lại nơi đây tới 300 biệt thự lớn nhỏ, nằm rải rác ở các sườn núi thung khe.

Người Pháp không phải là người Sa Pa nhưng họ đã để lại cho Sa Pa quá nhiều thứ. Ngoài phát hiện, kiến tạo, xây dựng thì ngay cả cây trồng nơi thị trấn cũng được người Pháp quy hoạch và lựa chọn khá bài bản. Chả cần nghiên cứu, chả cần lựa chọn mà người ta ưu tiên lấy ngay cây bản địa có tên sa mộc (một loại thông lá nhọn) để nhân trồng và phát triển nơi đây.

Sau thực dân Pháp, sau cuộc Chiến tranh biên giới, Sa Pa chính thức “sống lại” vào năm 1990 theo chủ trương tái thiết. Nhưng cấn cá thay, sau 26 năm xây dựng, đến nay chúng ta đã có một Sa Pa… hoàn toàn khác. Cái cấn cá đáng báo động nhất là việc mất dần nhà, biệt thự cổ bởi sự lấn lướt đến nhanh chóng của các đường lối kiến trúc hiện đại.

Nhìn kiến trúc hiện có của Sa Pa, nếu không còn khí hậu, không còn những ngọn núi, những con đường đèo chênh vênh và kể cả những sắc áo chàm thì người ta dễ có một tâm trạng đang ở thị trấn của một huyện… đồng bằng nào đó. Nhà và nhà, cao thấp, hình hộp lố nhố, bả sơn thời hiện đại đã làm nên một Sa Pa hoàn toàn khác và tạo cho du khách một cảm giác hẫng hụt, thương nhớ mỗi khi đến đây.

Lên Sa Pa bây giờ, nếu là du khách có kiến thức, hoài cổ thì phải mỏi mắt đi tìm đường nét xưa. Nhà cổ Sa Pa hiện nay không còn nhiều, mà còn cái nào thì cũng bị những kiến trúc hiện đại... “nuốt” mất. May mắn thay cho Sa Pa là vẫn còn ngôi Nhà thờ đá duy nhất được bảo lưu. Nhiều người bảo, sự hiện diện của Nhà thờ đá này thật là hi hữu và để cho người ta hình dung ra một Sa Pa xưa.Thương tiếc Sa Pa, cách đây hơn 10 năm, Vùng AQUITAINE của Cộng hòa Pháp đã đề xuất xin được hợp tác với UBND tỉnh Lào Cai, Sở Xây dựng cũng như UBND huyện Sa Pa nghiên cứu, vẽ chụp và kiến trúc cho ra đời 4 tập có tên gọi: Quy chế đô thị Sa Pa hết sức khoa học và hết sức có tầm cỡ. Tuy nhiên, tiếc thay, đến nay, 4 tập sách quý ấy vẫn “ngủ vùi” trong thư viện và các công sở của Lào Cai để nhường chỗ cho một thực trạng là: Mạnh ai, thích như thế nào thì… làm thế đó. Mỗi lần lên Sa Pa và quay lại miền đất này sau đó một thời gian nhiều người bỡ ngỡ nếu không nói là phải giật mình vì một Sa Pa với kiến trúc hiện đại khó hình dung. Chính cái hiện đại này đã làm cho Sa Pa ngày một nhạt nhòa trong lòng du khách, nhất là khách nước ngoài.

Với tư duy “gạt bằng và hiện đại”, những mảnh đồi quyến rũ đầy thơ mộng của Sa Pa tiếp tục bị các máy xúc, máy ủi ngoặm đất để những kiến trúc mới tiếp tục vươn lên. Và cùng với sự hiện đại này, Sa Pa hẳn sẽ mất dần đi những sự hấp dẫn tự nhiên vốn dĩ và cần phải có! 

ĐƠN THƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh