THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:36

Ghi ở “Mỹ Lai 2”

 

Đài tưởng niệm Quán Trang, một trong những bằng chứng tố cáo vụ thảm sát kinh hoàng với người dân vô tội.


“Khoảng trời riêng”! 

Trong thời kỳ xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam, ở miền Bắc, ngoài Hà Nội thì Hải Phòng được người Pháp coi như một “thủ phủ” thứ hai. Ngoài vị trí kinh tế thì đây còn đóng vai trò quan trọng về quân sự của thực dân và quân đội Pháp.

Vì có vị trí như vậy nên bằng mọi giá thực dân Pháp phải giữ an toàn cho vùng đất này. Toàn bộ Hải Phòng lúc đó bị Pháp khống chế, duy nhất chỉ một nơi đó là Quán Trang là ngoài tầm kiểm soát của chúng. Dù uy hiếp, dù dùng mọi tổng lực quân sự thế nào đi chăng nữa thì miền đất này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng. Làng mạc xóm thôn ở đây Pháp không bao giờ khống chế và không bao giờ đặt được một đơn vị quân đội nào của mình dù cho là nhỏ nhất.

Với vị trí khá đắc địa, phía tây là sông Văn Úc, phía bắc là sông Lạch Tray và phía nam là sông Đa Bộ, với vị trí tiến dễ, rút dễ và chỉ hợp với cư dân miền sông nước châu Á nên việc triển khai và thực thi quân sự của những người lính đến từ trời Tây là rất khó. Hơn thế nữa, biết được vị trí đắc địa của mình, quyết tâm tạo ra một “khoảng trời riêng” để sinh sống trong một trạng thái hoà bình đã tạo cho người dân Quán Trang một sự kiên cường.

Cũng trong thời gian này, để bảo vệ xóm làng, Quán Trang đã tự thành lập một đội dân quân tự vệ có tên là “sao vuông” với 120 người. Cũng tại miền đất này, thời gian ấy đã cho ra đời một đội quân báo 12 người và 35 cảm tử quân. Tất cả mọi trang bị về vũ khí đều do người dân tự tạo lấy như giáo, mác, súng, gươm...Có một đội ngũ “xương cốt” như vậy cùng sự nhất tề đứng lên chống Pháp của xóm làng nên thực dân Pháp chưa bao giờ đặt được một gót giầy da vào đây.

Lúc này, để án ngữ Quán Trang và hú hoạ người dân, thực dân Pháp đã cho dựng ở các khu vực lân cận 4 chiếc bốt với các tên gọi như Đò Cựu, Bốt Ruồn, Liễu Dành, Thượng Trang. Ngày đêm từ các bốt này thực dân Pháp thường câu Moóc Chi  ê sang hú hoạ, hòng đè bẹp chí khí người dân. Thế nhưng càng hú hoạ bao nhiêu, chí khí dân làng càng ngùn ngụt dâng lên. Trong cuộc đấu trí và dùng sức mạnh không cân sức này, không nề hà, thực dân Pháp đã huy động tổng lực và đã thực hiện tại đây một cuộc thảm sát đẫm máu với dân thường.

Cuộc thảm sát có một không hai

Cụ Nguyễn Thị Ngan, năm nay đã trên 80 tuổi, một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót trong vụ thảm sát có một không hai này rùng mình nhớ lại nỗi đau cũ. Bà vẫn còn chưa hết sợ và không thể quên được cái ngày ấy, tuy nó đã trôi qua trong đời bà trên 60 năm và lúc đó bà mới chỉ là một thiếu nữ chưa đầy 17 tuổi.

Danh sách những người dân xấu số trong vụ thảm sát ngày 29/4/1949.

Sáng ấy, khoảng 10 giờ - bà Ngan kể - bất thần địch huy động ngút ngàn lính, toàn Tây thôi từ 4 bốt kề cận ào ào lội sông tiến sang. Bị tập kích bất ngờ, hơn nữa do thông tin không nắm được nên toàn bộ du kích, cảm tử quân của xã hầu như rơi vào thế nao núng, không chủ động được. Mới đầu là pháo kích, sau đó xe lội nước dẫn đường, rồi lính ào ào tiến theo. Súng bắn lia chia, cứ nhằm nhà dân và dân thường mà bắn. Do nằm đầu xóm nên nhà bà bị tấn công và lùng sục đầu tiên. Lúc này vào giờ đi làm, nhà bà chỉ còn 3 chị em, trong đó người chị của bà đang mang thai, bụng vượt mặt. Không nói không rằng, một trong những tên lính mắt xanh lét, tay đầy lông lá đã túm 3 chị em bà lôi xềnh xệch sang nhà ông cụ Tường, nhà hàng xóm.

Lúc này ở nhà ông Tường chỉ có ông và bà cụ ốm nằm ở nhà. Không nói không rằng, cũng lại một trong những tên lính ấy gí súng vào mang tai ông cụ Tường. Đoàng! Một tiếng nổ khô khốc vang lên, cụ Tường ngã vật xuống, chết trên vũng máu. Vẫn chưa thể hả hê cho cái gọi là quá man rợ, một tên lính nữa đã nhẩy vào, túm cổ bà cụ Tường đang nằm trên chõng. Nòng súng lại được gí vào đầu, đoàng, lại tiếng nổ nữa, bà cụ Tường vật ra, đầu vỡ toác.

Sau vụ hành quyết ở nhà cụ Tường, 3 chị em bà bị lôi ra một chiếc hố bom. Tụi lính dùng giày đinh đạp cả 3 chị em bà xuống chiếc hố bom. Cả chục tên lính Pháp chĩa nòng súng, sì sồ nói gì đó và cười một cách man rợ. 3 chị em bà che mặt, chờ những tiếng nổ. Thế nhưng không hiểu sao, những tên lính đã không làm việc đó mà bỏ đi. Chờ cho tụi lính đi khuất, 3 chị em bà kéo nhau chạy ra đình làng, trong những tiếng súng chát chúa và khói lửa làng mạc bị đốt cháy ngút trời. Ra đến đình, một thảm cảnh không mấy đạo đức, phi nhân tính cũng đang xảy ra ở đây.

Trong sân đình, nơi có thể coi là tôn nghiêm nhất của người Việt Nam đã bị lính Pháp vây quanh. Khoảng 400 người dân, trong đó đông nhất là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị lính Pháp lột truồng, bắt quỳ xuống sân đình. Tiếng la thét, khóc lóc của người già, phụ nữ, trẻ em vang khắp làng. Bên cạnh đó là từng tay lính Pháp thỉnh thoảng lại giơ súng lên trời bắn để doạ họ. Những trò đồi bại và thảm sát không dừng ở đó. Trước cửa đình, một vụ hành quyết dã man theo kiểu thời trung cổ được lính Pháp thực hiện với một du kích. Người du kích ấy bị chúng đè ngửa, trói bằng thừng vào một tấm ván.

Hai tên lính Pháp đứng bên cạnh thay nhau dùng lưỡi lê đâm vào cổ người du kích đó. Máu đỏ từng dòng sối ra cùng tiếng kêu gào thảm thiết của người du kích sau mỗi nhát đâm. Bất lương và vô văn hoá hơn, máu chảy đến đâu chúng lại lấy chiếc bát hương của đình làng hứng đến đó. Tất nhiên, khung cảnh rùng rợn có một không hai này lính Pháp đều bắt những người dân vô tội của Việt Nam đang bị lột truồng ở Quán Trang chứng kiến.

Chém, giết, đốt - phương châm 3 sạch đã được lính Pháp thực hiện ở đây trong nhiều giờ đồng hồ. Cuối chiều, sau khi đã thoả mãn cho sự trả thù, không nề hà, lính Pháp đã tập trung toàn bộ người dân mà chúng bắt được lùa hết ra sông. Chúng xua dân bơi sang bờ bên kia, khi được nửa dòng bất ngờ chúng xả súng. Người dân trúng đạn kêu la oán thán, máu đỏ loang khắp một khúc sông. Sáng hôm sau, khi lính Pháp rút đi, người dân sau khi hoàn hồn đã tìm đến sân đình và các nơi để gom nhặt xác người xấu số. Tại sân đình, máu nạn nhân loang thành từng vũng, nhiều người trong đó đã bị bắn vỡ đầu hay bị lính Pháp giẫm đạp cho không nhìn thấy mặt nữa.

Chứng tích còn lại

Với bản chất rộng lượng và quên thù của mình, chuyện Quán Trang đã nhanh chóng lùi vào dĩ vãng và trở thành ký ức buồn của dân làng. Trong Quán Trang đã có nhà chết đến 4 người như nhà ông Thướng, nhà ông Lịch. Không biết trong lịch sử tham chiến của quân đội Pháp có ghi lại bút tích của cuộc thảm sát này hay không?. Gom đau thương, người dân Quán Trang lại dựmg xây cuộc sống, lại bền bỉ đấu tranh với bản chất kiên cường của mình. Cuộc thảm sát đã không làm người dân ở đây sợ, chỉ thêm sự hờn căm và một cái nhìn sâu sắc hơn về một quân đội của một đất nước văn hoá trong thời kỳ thực hiện xâm lược ở Việt Nam.

Để ghi lại dấu ấn buồn này, ghi lại tên tuổi những người xấu số, bằng sự quyên góp của mình, người dân Quán Trang đã dựng một bia thảm sát cao 5m, sơn màu huyết dụ, tên tuổi các nạn nhân được ghi bằng chữ màu vàng, thảm thương nhất là trong đó có những em bé chưa tròn 10 tuổi.

Đưa tôi ra chỗ bia tưởng niệm những nạn nhân xấu số, ông Nguyễn Văn Tường, trưởng thôn, tần ngần trước tên tuổi được ghi trên bia và bảo: Chứng tích còn lại của vụ thảm sát với người dân vô tội chỉ là những dòng chữ này. Chúng tôi khắc để nhắc nhở cháu con vùng đất này lớn lên hãy nhớ, rằng ngày xưa Quán Trang, người dân nơi đây đã có một ngày như vậy. Ông khóc. Hiện tại, sau vụ thảm sát này, người Quán Trang đã có ngày giỗ chung cho toàn thể dân làng, đó là ngày 29/4 hàng năm và bắt đầu vào lúc 10 giờ.

ĐỨC TUYỀN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh