CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:18

Ghi ở lớp học đặc biệt nơi trại giam

 

Chỉ không có chữ

Trại giam Tân Lập (Bộ Công an) đóng tại 2 xã miền núi Vô Tranh (Hạ Hòa) và Mỹ Lung (Tân Lập), Phú Thọ là nơi chấp hành án phạt của hơn 4.000 phạm nhân. Trong số đó có một bộ phận không nhỏ phạm nhân hoàn toàn toàn không biết chữ. Chính vì vậy những lớp xóa mù chữ cho các phạm nhân nơi đây đã được mở ra.

Dưới sự hướng dẫn của nữ cán bộ quản giáo Vũ Hương Lan, chúng tôi được dịp “mục sở thị” lớp học đặc biệt ở Phân trại số 5 - lớp học xoá mù chữ cho khoảng hơn 30 phạm nhân. Lớp học là hội trường dành cho phạm nhân học tập, sinh hoạt với không gian rộng rãi và thoáng mát. 10 bộ bàn ghế gỗ được chia làm 2 dãy, mỗi bàn có 3, 4 phạm nhân ngồi chung. Trên chiếc bảng đen, cô giáo trong sắc phục công an nắn nót ghi những nét chữ. Không gian lớp học im phăng phắc, các phạm nhân chăm chú nhìn lên bảng, những bàn tay gân guốc, thô ráp, đã từng gây án giờ đây nắn nót theo từng nét chữ của cô giáo.  

 

Nữ quản giáo Đỗ Thị Thu Hương, người trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho phạm nhân.

 

Phạm nhân Thào Thị Mỷ (quê ở Mù Cang Chải, Yên Bái)  phạm tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, thụ án 5 năm kể, hồi nhỏ nhà nghèo nên Mỷ không được đi học. 18 tuổi Mỷ đi lấy chồng, cuộc sống nghèo khó, để có tiền nuôi con nhỏ Mỷ và chồng đã nghe theo người xấu đi vận chuyển ma túy. Hai chuyến đầu vận chuyển chót lọt, người ta trả cho Mỷ vài triệu đồng mỗi chuyến. Thấy vậy, vợ chồng Mỷ ngày càng lấn sâu.

 “Vào đây được học cái chữ tôi đã hiểu ra hành vi vi phạm pháp luật của mình. Giờ tôi đã biết đọc chữ, biết viết tên của mình. Hiện chồng tôi cũng đang bị giam tại trại giam Hồng Ca, Yên Bái. Biết chữ rồi hàng tháng tôi sẽ viết thư cho chồng để động viên nhau cố gắng cải tạo cho tốt, mong nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về gia đình chăm sóc 2 con nhỏ”, phạm nhân Mỷ nói.

Cũng lĩnh án ma tuý, Thào Thị Chủ ở Sông Mã, Sơn La tâm sự: “Cái tay mình xưa nay chỉ quen cầm cày, cầm cuốc, chưa từng cầm bút bao giờ. Khi vào đây cầm bút viết chữ thấy khó quá. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo ở đây, tôi đã đọc được chữ rồi. Khi không biết chữ thì không biết tính tiền, không biết cái sai, cái đúng, không biết vi phạm pháp luật, người ta bảo gì thì làm theo thôi. Bây giờ cái bụng mình đã có chữ mình không sợ đói nữa. Mình đang cố gắng học tập, cải tạo tốt để sau này khi trở về sẽ mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, làm ăn chân chính, trở thành công dân tốt”.

 

Lớp học với những "học sinh” thuộc nhiều thành phần, từ trẻ đến già.


Là một phạm nhân đã lớn tuổi nhưng Tẩu Mí Lù, ở Lai Châu được các thầy cô trong lớp đánh giá rất chăm chỉ học hành. Đến thi hành án tại Trại giam, Lù với lý lịch trích ngang: có 5 con, không biết chữ, phạm tội buôn bán ma túy, án phạt chung thân, chồng đang bị giam tại Trại giam Nà Tấu (Điện Biên). Khi đến đây, Lù không nói được tiếng Kinh, cán bộ quản giáo nói gì Lù không hiểu, Lù nói gì cán bộ cũng không biết. Trước tình hình đó các cán bộ đã thay nhau động viên Lù tham gia lớp học. Giờ đây, Lù đã biết đọc, biết viết họ tên của mình và những dòng chữ ngắn gửi về cho gia đình.

“Vào trại được học chữ, học văn hoá tôi rất vui. Hơn nửa đời người mới biết viết, biết đọc tôi thật hạnh phúc”, phạm nhân Lù tâm sự.

Gieo chữ, dạy cách làm người

Một trong những phạm nhân đặc biệt trong lớp xóa mù chữ này là Đinh Thị Bích Thủy, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Vốn là lãnh đạo của một trường cấp 2 tại Tân Sơn, nhưng do sự cám dỗ của đồng tiền và quyền lực, Thủy đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án là 17 năm.

 

Phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy giúp các phạm nhân khác học tập, cải tạo.


Những ngày đầu nhập trại, Thủy tự ti, mặc cảm, dằn vặt bản thân, sống khép mình. Nhưng với sự động viên, chia sẻ của gia đình và các cán bộ quản giáo khiến Thủy như được tiếp thêm nghị lực để vững tâm gượng dậy, phấn đấu hoàn lương. Ở trong trại, Thủy thèm cảm giác được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng, trước ánh mắt ngây thơ  của các học trò. Biết vậy, các cán bộ quản giáo đã giao công việc dạy chữ cho các phạm nhân mới vào nhưng không biết đọc, biết viết. Từ ngày gắn bó với công việc này, Thủy cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều.

 “Khi được đứng lớp em vui lắm, lúc đầu vào trại cứ tưởng cuộc đời đã chấm hết, nhưng khi được trở lại với nghề thì không còn gì bằng. Từ những cái giá phải trả cho những hành vi của mình, em sẽ cố gắng giúp các phạm nhân khác học tập, cải tạo để trở về cuộc sống lương thiện”, Thủy tâm sự.

 

Các phạm nhân đọc sách tại thư viện.

 

Theo thượng tá Nguyễn Thế Mở, Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 2, Trại giam Tân Lập hiện có 2 điểm lớp xoá mù chữ, điểm ở Phân trại số 2 dành cho phạm nhân nam và điểm ở Phân trại số 5 dành cho phạm nhân nữ. Đa số phạm nhân là người dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật và nhận thức hạn chế, không biết tiếng phổ thông… nên cán bộ, giáo viên phải dành thời gian bồi dưỡng thêm, khiến chương trình kéo dài. “Có những phạm nhân là người dân tộc thiểu số, ngay tiếng Kinh họ còn chưa nghe và nói được chứ không nói gì đến việc có thể đọc và viết được tên mình. Với những “học sinh” này chúng tôi phải nhờ đến những phạm nhân người dân tộc phiên dịch hộ. Hay có những phạm nhân chúng tôi phải cầm tay đưa từng nét chữ. Bàn tay đã từng gây tội ác, đã qua cái thời cầm bút, cầm phấn quá lâu nên không thể đưa đi theo những nét chữ cán bộ hướng dẫn. Có khi “hai thầy trò” gần như đánh vật với nhau mới ra được một chữ cái”, thượng tá Nguyễn Thế Mở chia sẻ.

Cán bộ quản lý Giáo dục Phân trại số 5 Đỗ Thị Thu Hương cho biết, mỗi năm đơn vị tổ chức từ 1 - 2  lớp học xóa mù chữ, kéo dài từ 6 - 9 tháng, trung bình mỗi ngày học 4 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, các phạm nhân sẽ được bổ túc những kiến thức cơ bản của môn Toán, tiếng Việt  theo chương trình xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT. Sau khi hoàn thành, “học sinh” phải thi sát hạch cuối kỳ do Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa tổ chức. Nếu vượt qua, khi các phạm nhân ra tù sẽ được cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ”.

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh