CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:09

Ghế Tổng giám đốc Sabeco bỏ trống: Bộ Công thương đang chờ "Thần đồng quản trị doanh nghiệp"?

 

Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Sabeco, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, người nắm vị trí Tổng giám đốc Sabeco đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2015. Cũng từ đó tới nay, đã gần 6 tháng trôi qua, chiếc ghế Tổng giám đốc của Sabeco vẫn phải bỏ trống.
Ông Võ Thanh Hà, người được Bộ Công thương ủy quyền đại diện đối với 23% vốn nhà nước tại Sabeco và sau đó đã được đại hội đồng cổ đông bầu làm Chủ tịch HĐQT Sabeco hiện đang phải kiêm nhiệm vụ Tổng giám đốc từ ngày 1/1/2016.
Các nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cũng cho thấy, chưa có bất cứ động thái nào từ phía Bộ Công thương, hay Sabeco trong việc tìm ra nhân sự mới cho vị trí Tổng giám đốc để nhanh chóng làm giảm bớt gánh nặng trên vai Chủ tịch HĐQT Võ Thanh Hà.
Sabeco hiện có vốn điều lệ là 6.412 tỷ đồng và Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn điều lệ tại doanh nghiệp .
Nhưng, chính tỷ lệ này đang làm khó Sabeco. Vì theo quy định của khoản 2, Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết, thì Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm thêm chức vụ giám đốc, hoặc tổng giám đốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về quy định này của Luật Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, sở dĩ Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra quy định phải tách riêng hai chức danh đó vì việc quyền lực được tập trung vào một người sẽ khó giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Việc tránh kiêm nhiệm sẽ giúp công tác quản trị doanh nghiệp được tốt hơn.
“Quy định tách riêng 2 chức danh với loại hình công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50% này cũng được áp dụng theo mô hình quản trị tốt của OECD, nhằm giúp cổ đông được hưởng lợi một cách minh bạch”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp nào thuộc diện trên, mà không tách bạch hai chức danh (Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, giám đốc) là vi phạm luật.
Như vậy, theo điều luật này, Sabeco và cao hơn nữa là Bộ Công thương - cơ quan được giao quản lý phần vốn nhà nước tại đây đang vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014.
Còn đáng trách hơn khi Bộ Công thương cũng đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước, có vai trò tham mưu, xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành công thương cũng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Có thể dẫn chứng trường hợp Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với doanh nhân Mai Kiều Liên. Trước đây bà Mai Kiều Liên đã đảm nhiệm cả hai vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk. Tuy nhiên, giữa năm 2015, bà Mai Kiều Liên chỉ còn nắm vị trí Tổng giám đốc, dù các cổ đông của Vinamilk đều rất mong muốn nữ doanh nhân tài ba này đảm nhiệm cả hai vị trí như trước đó. Đáng nói là, hiện phần vốn nhà nước tại Vinamilk không còn chiếm đến 50%.
Chủ tịch HĐQT Sabeco Võ Thanh Hà
Quay trở lại Sabeco, ông Võ Thanh Hà sinh năm 1974 và trở thành Chủ tịch HĐQT Sabeco vào tháng 10/2015, thông qua con đường được Bộ Công thương giao là người đại diện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Công thương cũng là cơ quan quản lý và có tỷ lệ biểu quyết lên tới 89,59% tại Sabeco, nên việc ông Hà trở thành Chủ tịch HĐQT Sabeco dĩ nhiên không có gì khó khăn.
Chỉ một thời gian ngắn trước đó, vào tháng 2/2015, ông Hà được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Bộ Công thương. Còn trước đó, ông Hà là Phó chánh văn phòng, kiêm Thư ký Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Nghĩa là, trước khi “đột nhiên” trở thành Chủ tịch HĐQT Sabeco và sau đó kiêm thêm nhiệm vụ Tổng giám đốc Sabeco từ tháng 1/2016 - ông Hà hoàn toàn chưa có chút kinh nghiệm thực tế nào liên quan đến quản lý, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, chưa kể đó là một doanh nghiệp có quy mô lớn như Sabeco.
VAFI, trong kiến nghị liên quan đến các nhân sự công chức được Bộ Công thương cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco cũng nhấn mạnh rằng, Chủ tịch Sabeco về năng lực ít nhất phải bằng 20% năng lực của những người như ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk)… chứ không thể chọn một người “lơ mơ về quản trị doanh nghiệp”.
Thực tế này, khiến dư luận băn khoăn với câu hỏi, phải chăng, Bộ Công thương đã không hề quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ doanh nhân thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm thương trường, có chí khí tiếp tục phát triển thương hiệu đang có tiếng tăm như trường hợp Sabeco, khi mà hội nhập mạnh mẽ, cạnh tranh chỉ ngay tại thị trường trong nước với các nhãn hiệu ngoại như Asahi, Carlsberg, Heineken, Tiger, Budweiser đã ngày càng rất khốc liệt.
Phó Tổng giám đốc Sabeco Vũ Quang Hải
Tuy nhiên, dư luận cũng hoài nghi, phải chăng, Bộ Công thương chưa vội tìm kiếm nhân sự Tổng giám đốc Sabeco, vì đợi một “thần đồng về quản trị doanh nghiệp” nào khác?
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, năm 2015, Sabeco dù đạt sản lượng 1,38 tỷ lít bia, nhưng giới chuyên môn cho là gần như không có tăng trưởng. Trong khi đó, thương hiệu Heineken (729 triệu lít) đã lần đầu tiên vượt qua Habeco (667,8 triệu lít), để vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng trong ngành bia.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh