THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:09

GDP năm 2015 tăng 6,68% cao nhất trong 5 năm qua

 

Tổng cục Thống kê công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội năm 2015. Theo đó, tình hình kinh tế nước ta trong năm 2015 có nhiều dấu hiệu tích cực; mức tăng trưởng GDP ước đạt 6,68% so năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đã đề ra và cũng là mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2015 cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét.


Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2015 cán cân thương mại của cả nước thâm hụt 3,2 tỷ USD sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu  trong năm ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12%. Như vậy, tháng 12 ước tính nhập siêu 300 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm 2015 đạt thấp hơn năm trước và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%) chủ yếu do chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước, bình quân chung giảm 3,8%. Trong đó, dầu thô giảm 53%, xăng dầu giảm 49,8%, cao su giảm 24,1%, sản phẩm cao su giảm 14%; than đá giảm 10%, gạo giảm 8,1%, cà phê giảm 6,4%, rau quả giảm 3,4%; thủy sản giảm 2,5%, quặng và khoáng sản khác giảm 2,4%...
Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh như cà phê giảm 24,3%; hạt tiêu giảm 14,7%; chè giảm 6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong năm của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 27,6 tỷ USD, tăng 23,1%; vải đạt 10,2 tỷ USD, tăng 8,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 5 tỷ USD, tăng 7,5%; bông đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,4%. Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 151,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2014 và chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ngoài hai đối tác lớn là Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD, các thị trường lớn khác đang có xu hương gia tăng mức nhập siêu, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc ước tính 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước; Hàn Quốc ước tính 18,7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN ước tính 5,5 tỷ USD, tăng 44,7%. Đáng chú ý là thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD.
Nhập siêu năm 2015, hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với mức nhập siêu của khu vực này là 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD.

Mức tăng trưởng GDP ước đạt 6,68% so năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đã đề ra

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính đến 15/12/2015, cả nước có 2013 dự án FDI được cấp phép mới và 814 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đạt 22,76 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI thực hiện năm nay đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của VN năm qua đạt con số khá đẹp: tăng 6,68% so với năm trước, cao hơn mục tiêu 6,2% mà Quốc hội đề ra và cao nhất trong vòng 5 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm nay, mức tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước.
Cụ thể, quý 1 tăng 6,12%; quý 2 tăng 6,47%; quý 3 tăng 6,87%; quý 4 tăng 7,01%. Điều này cho thấy kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế năm nay được đóng góp chủ yếu bởi khu vực công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm ngoái.
Tổng cục Thống kê đánh giá, cơ cấu nền kinh tế năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33%; khu vực dịch vụ chiếm hơn 39,7%.  Sang năm 2016, dự báo nền kinh tế tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội đan xen thách thức, bất lợi.
Trong đó, dự kiến GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 và bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục kiềm chế lạm phát... là những mục tiêu không dễ thực hiện trong bối cảnh giá dầu vẫn có thể ở mức thấp như thời gian qua, thị trường bất động sản còn trầm lắng, có thể điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục và y tế trong khi DN nội địa phải đối phó với các diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, DN Việt phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ DN nước ngoài. Các DN được khuyến cáo cần tập trung huy động nguồn lực để đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, gia tăng sức cạnh tranh nhằm tồn tại và phát triển bền vững…

Nguyễn Thanh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh