GDP 6 tháng đầu năm tăng thấp kỷ lục - chỉ đạt 1,81%
- Huyệt vị
- 12:47 - 30/06/2020
Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng thấp kỷ lục - chỉ đạt 1,81%.
Mức tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê, mặc dù kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.
Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì mức xuất siêu cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan thống kê cũng khẳng định, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ, gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này...
Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tích cực và hiệu quả của Chính phủ, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.
CPI tháng 6 tăng trở lại, do giá xăng dầu và thịt lợn tăng cao
Bình quân 6 tháng, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Sau 4 tháng liên tiếp CPI giảm do tổng cầu giảm, CPI tháng 6/2020 đã bất ngờ tăng trở lại, với mức tăng khá cao - 0,66% so với tháng trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thì việc CPI tăng trở lại trong tháng 6 chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, giá thịt lợn cũng lại tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng Sáu, ảnh hưởng tới CPI chung của cả nước.
CPI tháng 6/2020 tuy tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI vẫn tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, tốc độ tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,72%; 4,15%; 3,29%; 2,64% và 4,19%.
Tuy vẫn ở mức tăng cao, song có thể thấy rõ, CPI bình quân đang có xu hướng giảm dần. nếu như CPI bình quân tháng 1/2020 tăng tới 6,54%, thì giờ đây, đã giảm xuống chỉ còn 4,19%, tức là cũng đã dần tiệm cận với mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%).
“Xu hướng tăng CPI bình quân đã giảm, nhưng áp lực trong kiểm soát lạm phát theo mục tiêu vẫn hiện hữu”, Tổng Cục Thống kê đánh giá.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong mức tăng 0,66% của CPI tháng 6/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất.
CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.