THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Gặp "vua dê" xứ Gò

 

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng

Với cái nghề lái xe trong tay vất vả quanh năm mà cuộc sống gia đình cũng không khá hơn, loay hoay trên con đường cải thiện kinh tế gia đình. Lúc này, nhiều người dân địa phương thực hiện mô hình nuôi dê thịt hiệu quả. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh cũng chọn "con dê làm đầu cơ nghiệp".

Anh Hồng chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp: Năm 2000, tôi bắt tay vào nuôi dê, lúc đầu do không có vốn nhiều chỉ đủ tiền mua 2 con. Do chưa có kinh nghiệm nên tôi đã thất bại. Tôi tự nhủ không nên  nản chí, “thất bại là mẹ thành công”, rồi tiếp tục đeo đuổi nghề nuôi dê cho đến năm 2004, tôi đã có đàn dê khoảng hơn 20 con, chủ yếu là dê giống.

Anh Đoàn Văn Hồng đang tim vắc xin cho chú dê giống

Khi số lượng đàn dê ngày một tăng, chưa kịp mừng thì giá bán rớt thê thảm, nghề nuôi dê thoái trào. Lúc đó, nhiều hộ dân ở địa phương quay lưng với con vật này. Tính riêng năm 2007, anh thua lỗ gần 200 triệu đồng do dê giảm giá mạnh. Tuy nhiên, anh vẫn quyết bạm trụ với mô hình nuôi dê cho đến tận ngày nay. Nỗ lực của anh đã được đền đáp, năm 2008, anh là một trong số ít nông dân được chọn tham gia đự án “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương”, do Thạc sĩ Phạm Văn Nghi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), làm chủ nhiệm với mục tiêu nuôi thử nghiệm một số giống dê năng suất, chất lượng cao về sữa, thịt tại địa phương; đồng thời cải tạo giống dê hiện có của địa phương bằng các giống dê có năng suất chất lượng cao về sữa, thịt.

Khi tham gia dự án, anh Đoàn Văn Hồng được hỗ trợ một con dê đực giống Saanen (chuyên sữa) của Thụy Sĩ. Từ con dê giống này, anh cho phối giống với những con dê cái địa phương (giống dê Bách Thảo) để lai tạo ra giống dê chuyên sữa. Sau 5 tháng, từ 5 con dê cái, anh lai tạo ra được khoảng 10 con dê lai giống F1, với nhiều ưu điểm như trọng lượng lớn hơn từ 3 - 4 kg, khỏe mạnh và dễ nuôi. Tỷ lệ cho sữa tăng gấp đôi so với giống dê địa phương. Sau 3 tháng nuôi, dê lai đạt trọng lượng từ 18 - 22 kg/con. Từ thành công của đự án, đàn dê giống của anh ngày càng được nhân rộng cho đến nay.

Thần tài mỉm cười 

Nhờ ham học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong lai tạo, chăn nuôi nên chất lượng đàn dê giống của anh Hồng được cán bộ nông nghiệp và người chăn nuôi đánh giá cao. Anh Hồng chia sẻ thêm về kỹ thuật trong quá trình nuôi: Để lai tạo ra những giống dê mới đạt hiệu quả cao, quan trọng là phải nắm bắt, theo dõi chính xác thời gian phối giống; tiêm phòng vắc xin đầy đủ các bệnh như tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng đúng định kỳ, đảm bảo an toàn cho đàn dê. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho đàn dê cần phải đảm bảo với các giống cỏ giàu dinh dưỡng như cỏ voi, cỏ Mulato và cây so đũa. Tôi đã thử nghiệm thành công phương pháp nuôi bằng đệm lót sinh học. Ưu điểm của hình thức đệm lót sinh học là dê không bị kẹt chân như nuôi bằng chuồng gỗ và dê được sưởi ấm vào mùa đông.

 

Thăm chuồng nuôi dê của anh Đoàn Văn Hồng

Hiện nay, anh Hồng đã đầu tư diện tích chuồng trại khoảng 500m2, với số lượng thường xuyên duy trì hơn 120 con theo hình thức nuôi nhốt chuồng, chủ yếu là dê sữa lai và mỗi tháng cho sinh sản trên 20 con dê con.  Theo anh Hồng nuôi dê dễ hơn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, đặc biệt là phù hợp với địa phương vùng ven biển như xã Tăng Hòa bởi đây là mô hình có thể phát triển ra diện rộng, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Đặc trưng của trang trại anh Hồng hiện nay là chủ yếu cung cấp dê giống cho người chăn nuôi, dê đực thải loại thì bán thịt. Khách hang hiện nay của anh ở khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu ngày càng tăng. Hàng năm, anh Hồng xuất chuồng khoảng từ 80 - 100 con dê giống (trọng lượng 20 - 30kg). Giá bán dê đực và dê cái giống giao động  từ 250.000 - 600.000 đồng/kg, dê thịt 100.000 đồng/kg. Mỗi năm anh thu về gần 500 triệu đồng từ xuất bán dê giống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng mơ ước đối với cư dân vùng ven biển trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tăng Hòa, đánh giá: Mô hình nuôi dê của anh Hồng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, anh Hồng còn giúp đỡ hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương mượn dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình của anh Hồng, phong trào nuôi dê ở địa phương đang phát triển mạnh. Đến nay, xã có tổng đàn dê khoảng 4.000 con, đồng thời đã thành lập tổ hợp tác nuôi dê Tăng Hòa, với 32 thành viên, tổng đàn dê gần 1.000 con.

Thời gian tới, anh Đoàn Văn Hồng tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đồng thời phát triển mạnh chăn nuôi dê lấy sữa vì lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với nuôi dê thịt.

Công Trí - Ngọc Tánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh