THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

Gặp những người giữ rừng ngày tết

Dịp Tết Nguyên đán, rừng đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro khác nhau. Trước hết, do khí hậu ngày tết nhiều năm trở lại đây không còn giá buốt và hay mưa phùn như trước kia, trái lại có những năm vào dịt tết lại nắng to, khí hậu hanh khô nên dễ có nguy cơ cháy rừng. Người dân vào rừng cũng nhiều hơn, chủ yếu là những ngày trước tết để tìm kiếm, khai thác lâm sản như lá dong, giang, rau củ quả và một số sản phẩm khác để bán hoặc sử dụng trong ngày tết.
Những hoạt động của những người vào rừng khai thác lâm sảm cũng dễ ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng. Và đặc biệt, trong những ngày tết cũng là thời điểm mà nhiều phần tử xấu, nhiều lâm tặc lợi dụng khi mọi người đang đón tết để vào rừng chặt trộm ghỗ hay khai thác lâm thổ sản trái phép. Vậy nên, việc bảo vệ rừng ngày tết cũng là một thách thức đối với những người kiểm lâm và những người làm việc ở các ban quản lý rừng.

Gặp những người giữ rừng ngày tết - Ảnh 1.

Những người kiểm lâm trèo đèo vượt suối giữ rừng ngày tết

Trong số các ban quản lý rừng phòng hộ ở Nghệ An thì có lẽ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương là chủ rừng lớn nhất. Hiện nay, ban đang quản lý 104.000 ha rừng phòng hộ với 8 trạm bảo vệ ở các điểm rừng khác nhau. Để chuẩn bị cho công việc bảo vệ rừng dịp tết, ban quản lý đã phải xây dựng kế hoạch cụ thể với các trạm từ trước tết khá sớm.

 Theo ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương thì khó khăn trước hết của ban chính là thiếu nhân lực. Theo quy định, mỗi cán bộ bảo vệ rừng hay kiểm lâm phụ trách diện tích tương ứng là 700ha, nhiều thì không quá 1000ha. Nhưng hiện tại, số biên chế mà ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương có chỉ là 16, cộng thêm 38 lao động hợp đồng là 54 người, trung bình mỗi người phải 1926ha. Đó là chưa tính có một bộ phận chuyên môn khác nên thực tế số người trực tiếp bảo vệ rừng phải phụ trách gấp hơn 3 lần so với quy định.
Vào dịp tết, ban phải đảm bảo hơn 50% nhân lực trực tết, những năm có nhiều vấn đề phải đảm bảo 70% số người ở lại trực. 

Như vậy, ở các trạm có 3 người thì chỉ được 1 người nghỉ về ăn tết và 2 người ở lại trực. Từ tháng 10 hàng năm, các trạm đã phải chuẩn bị phân công trực tết để gửi danh sách lên cho ban. Những trường hợp có việc đột xuất muốn đổi thì phải tìm được người trực thay, thỏa thuận với nhau xong thì báo cáo lại lãnh đạo ban quản lý.

 "Tết nhất là dịp để gia đình sum họp. Ai cũng muốn về với gia đình, với vợ con, để thắp hương cúng tổ tiên, đi thăm hỏi chúc tết anh em bà con, gặp gỡ bạn bè… Nhưng khi đã lựa chọn làm nghề rừng thì phải chấp nhận việc trực. Vì trực tết rất quan trọng trong công tác bảo vệ rừng do có nhiều nguy cơ không thể lường trước hết được. Bản thân gia đình những người làm nghề rừng cũng phải biết thông cảm vì đây là tính đặc thù của công việc", ông Hòa chia sẻ. 


Đành rằng là nghề nào cũng có những đặc thù riêng và ai theo nghề cũng hiểu điều đó. Nhưng không phải ai cũng thông cảm và thu xếp được. Nhiều cặp vợ chồng cũng xẩy ra mâu thuẫn, cãi cọ nhau về việc chồng đi làm việc quanh năm đến tết cũng không về được.
Như ông Ngô Hải Nam, một cán bộ có nhiều năm làm việc ở trạm bảo vệ rừng Mai Sơn, một trong những trạm xa nhất của Ban cho biết: Khi mới cưới vợ mà đi suốt thì vợ cũng hay cằn nhằn. Nhất là dịp tết không về được. Phải giải thích nhiều, rồi có những năm đưa cả vợ con lên trạm ăn tết để cho vợ hiểu hơn về công việc của chồng. Từ đó tìm được sự cân bằng trong công việc và gia đình. Và trong ban, những chuyện như vậy thì hầu hết cán bộ, nhân viên đều đã trải qua. Nhiều người cứ nghĩ chắc làm bảo vệ rừng mà ở lại trực tết có nhiều "lộc", nhiều màu mè gì hay chế độ đãi ngộ cao lắm. Nhưng thực ra, ngoài khoản hỗ trợ thêm 200 ngàn đồng/người/ngày trong mấy ngày tết thì cũng chẳng có gì thêm.

Gặp những người giữ rừng ngày tết - Ảnh 2.

Ngày tết là ngày đoàn tụ của gia đình nhưng những người làm kiểm lâm vẫn phải bám rừng để giữ rừng.( ảnh chụp tết nguyên đán 2019)

Theo các cán bộ bảo vệ rừng thì trong những ngày tết, việc đi tham gia đón tết với người dân để chia sẻ tình cảm, tạo quan hệ gắn kết và tuyên truyền công tác giữ rừng đến với đồng bào rất cần thiết, nhưng cũng là công việc rất mệt. "Đến nhà đồng bào dịp tết thì nhà nào cũng mời uống rượu. Không uống thì là không quý mến nhau. Mà uống nhiều ngày liên tục và uống nhiều khiến anh em cũng ốm ra", ông Nam tâm sự.

Cũng như Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, rừng quốc gia Pù Mát cũng là lá phổi quan trọng của tỉnh Nghệ An. Với ban quản lý rừng quốc gia Pù Mát thì dịp tết cũng gặp nhiều khó khăn chẳng khác gì ở rừng phòng hộ Tương Dương nói trên. 

Hiện, ban quan lý rừng Pù Mát có 78 người phụ trách bảo vệ gần 95.000ha rừng đặc dụng với 11 trạm trực thuộc. Nhân sự ngày thường đã thiếu, dịp tết lại càng thiếu nhiều hơn. Vậy nên, để làm tốt công tác giữ rừng ngày tết thì công tác chuẩn bị chu đáo là rất cần thiết.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc rừng quốc gia Pù Mát cho biết: "Từ trước tết, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch bảo vệ rừng trước, trong và sau tết sao cho cụ thể nhất. Dịp gần tết tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn để khảo sát cụ thể, đánh dấu từng cây lớn và kiểm tra kỹ lưỡng những điểm nóng có thể xẩy ra sự cố về rừng, càn quét tội phạm rừng để phòng ngừa nguy cơ phá rừng. Những việc này làm trước tết càng kỹ lưỡng thì càng đảm bảo an toàn hơn trong những ngày tết. Bên cạnh đó cũng làm công tác tư tưởng với anh em để mọi người yên tâm trực tết. Với những người được nghỉ về ăn tết cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần hỗ trợ khi có sự cố. Ví dụ như năm 2015, đúng ngày 30 tết thì nhận được tin báo có lâm tặc chặt và chở gỗ trái phép ở Khe Thơi thì lãnh đạo lập tức điều động kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng ở gần đó cùng hợp tác vây đuổi. Khi họ chặt dây thả gỗ chìm xuống sông thì anh em phải tổ chức phối hợp để lấy số gỗ lên lập biên bản. Sau khi lấy được hết gỗ lên thì cũng hết tết".

Gặp những người giữ rừng ngày tết - Ảnh 3.

Các kiểm lâm đi tuần ngày tết gặp nhau

Hiện Nghệ An hiện tại có 1.235.755ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng là 940.500ha gồm 786.934ha rừng tự nhiên và 153.566ha rừng trồng. Diện tích đất lâm nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 1,2 triệu người đang sinh sống ở miền núi, trong đó đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của 442.000 người dân tộc thiểu số, vốn sinh sống dựa nhiều vào nghề rừng.
Trong nhiều năm qua, hàng loạt các chính sách liên quan đến bảo vệ rừng được đưa ra. Quan trọng phải kể đến Nghị định 05/2008/NĐ-CP Về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định 99/2010/NĐ-CP Về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 75/2015/NĐ-CP Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Nghị định 38/2016/NĐ-CP Về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp; Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Các chính sách này đã góp phần làm cho công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. 

Tuy nhiên, xét cho cùng, nhân tố con người vẫn quyết định nhất, mà trực tiếp ở đây chính là những người chủ rừng, những người làm công tác kiểm lâm. Trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của họ là yếu tố quan trọng đối với công tác bảo vệ rừng. Và nó phải thể hiện thường xuyên, hàng ngày, nhưng dịp tết cũng là thời điểm cần nhất về những phẩm chất đó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) nhấn mạnh: Công việc bảo vệ rừng trong mấy năm gần đây cũng thay đổi nhanh chóng. Không còn những cuộc chặt phá rừng trên diện rộng như trước đây mà chuyển sang các hành vi nhỏ lẻ. Nhưng còn rừng thì vẫn còn những người muốn khai thác trái phép nên bảo vệ rừng phải luôn tập trung cao độ và cảnh giác. Do vậy, cần phải có những con người có kỹ năng, năng lực, có trách nhiệm và yêu nghề rừng thì họ mới chấp nhận xa nhà, xa quê để đi giữ rừng, nhất là trong dịp tết".

HOÀNG TÙNG-THANH DƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh