Gặp nguyên mẫu của bài hát “Cô dân quân làng Đỏ”
- Văn hóa - Giải trí
- 20:03 - 01/06/2015
Tôi đến thăm bà Dần vào một buổi chiều nắng đẹp, khi biết tôi cũng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bà rất hồ hởi. Năm 1965, đế quốc Mỹ cho máy bay leo thang đánh phá miền Bắc, để tăng cường lực lượng bảo vệ các trọng điểm kho tàng, nhà máy, đường giao thông, Tỉnh đội Nghệ An quyết định thành lập các trung đội dân quân trực chiến bằng súng 12 ly 7, và trung đội dân quân làng Đỏ được thành lập, do Nguyễn Trung Huyên làm trung đội trưởng và 9 cô gái gồm: Nguyễn Thị Dần, Nguyễn Thị Thanh a, Nguyễn Thị Thanh b, Nguyễn Thị Trâm, Nguyễn Thị Thọ, Nguyễn Thị Tịnh, Nguyễn Thị Nghệ, Nguyễn Thị Lới và Nguyễn Thị Hồng.
Để tạo yếu tố bất ngờ cho nên trận địa 12 ly 7 phải thường xuyên cơ động khắp nơi trong thành phố để bảo vệ kho xăng , phà bến Thủy, ga Vinh…Vất vả nhất là cơ động , đào công sự cho pháo vào, nhưng lúc nào họ cũng vui.
Chiến tranh ác liệt, gian khổ, bữa ăn của các cô cơm ít, độn khoai nhiều, ấy vậy mà 9 cô gái làng Đỏ vẫn bám trụ kiên cường. Ngoài trực chiến bắn máy bay Mỹ, họ còn phối hợp với bà con xã Hưng Dũng đào công sự cho trung đoàn pháo cao xạ 280, 214 bảo vệ Vinh, rồi vận chuyển đạn dược, khâu vá quần áo cho các chiến sỹ...
Bà Dần thời chống Mỹ.
Nghe tôi hỏi về trận bắn hạ máy bay Mỹ, ký ức như sống lại trong giọng nói của bà Dần. Hôm đó, vào khoảng là 17 giờ 30 phút ngày 25/7/1968, trung đội 12 ly 7 của bà đón lõng máy bay Mỹ ở khu vực ga Vinh. Bỗng một tốp 2 chiếc F4H đến bổ nhào bắn phá. Bà Dần là xạ thủ số 1, khi thấy chiếc máy bay đi đầu bổ nhào tìm mục tiêu, khẩu đội không nhả đạn, vì nếu bắn sẽ bị lộ trận địa phục kích.
Chỉ đến khi chiếc thứ hai vào tầm ngắm, bà Dần mới quyết định bóp cò. Chỉ bằng một loạt đạn, chiếc máy bay đã bốc cháy ngay. Lúc đó, bà Dần còn đang chuẩn bị bóp cò loạt đạn thứ hai, thì bên tai nghe tiếng hò reo của đồng đội: Mày bắn trúng rồi Dần ơi!
Hình ảnh tư liệu bà Dần trong chuyến sang thăm Liên Xô .
Sau chiến công bắn rơi máy bay Mỹ đó, có rất nhiều nhà báo và các đoàn thể đến chúc mừng, động viên trong số đó có nhạc sỹ Nguyên Nhung. Tiếp xúc, trò chuyện với cô dân quân Nguyễn Thị Dần, cảm xúc đã ùa đến, nhạc sỹ viết câu mở đầu: “Em hát giọng đò đưa mênh mang đất trời xứ Nghệ, nghe sông Lam nước lấp lánh vỗ về, từ chiến hào tay súng em dương lê. Căm thù đế quốc Mỹ như biển lửa. Em đi tiếp đạn lên núi, em xông pha giữa chiến hào. Ngày theo vết đường cày, đêm về xây đường đắp ụ... Hỡi cô gái thân thương dũng cảm kiên cường”. Bài hát “Cô gái dân quân làng Đỏ” đã ra đời.
Với chiến công trên, ngày 25/8/1970 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đơn vị dân quân du kích “ Làng Đỏ anh hùng”. Sau đó, từ tháng 7 đến tháng 9/1971, cô dân quân Nguyễn Thị Dần vinh dự được cho đi thăm nước bạn Liên Xô. Sang đất bạn, bà Dần được gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.Brêgiơnép và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Côxưghin đón tiếp trọng thị.
Cô gái làng Đỏ, Nguyễn Thị Dần hiện tại.
Bà Dần kể cho tôi nghe năm 1971, đơn vị đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cấp trên về có thông báo là chiến sỹ Nguyễn Thị Dần và trung đội trưởng dân quân Nguyễn Trung Huyên cùng xạ thủ số 2 Nguyễn Trung Thành được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, nhưng từ đó đến nay, bà vẫn chưa được nhận.
Sau khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc nước ta, bà Dần được cấp trên cho đi học. Năm 1971 bà được bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, từ năm 1986-1996 là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Dũng và là Thành ủy viên TP Vinh . Năm 1997, bà cấp trên cử đi học để bố trí công tác khác. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành xong chương trình học, bà được thông báo không thể bố trí công tác khác được, vì không đủ điều kiện, phải về nghỉ “phục viên”. Nhận được tin này bà cảm thấy hụt hẫng...
Cũng trong thời gian này thì người chồng thân yêu của bà cũng qua đời một cách đột ngột do tai nạn, thế là một mình bà phải cáng đáng nuôi mẹ chồng 80 tuổi và 4 đứa con đang tuổi ăn học. Đau khổ về tinh thần nhưng rồi với nghị lực của cô gái dân quân làng Đỏ quật ngã máy bay giặc Mỹ ngày nào đã giúp bà gượng đứng dậy lại lo việc đồng áng tiếp tục “Đường cày đảm đang” ngày nào rồi chăn nuôi, nuôi mẹ già và các con .
Mãi đến năm 2013, khi tìm sổ sách giấy tờ trong tủ của UBND xã Hưng Dũng, người ta mới thấy cuốn sổ đóng bảo hiểm xã hội của bà Dần. Mừng vì đã tìm được sổ nhưng đối chiếu thì mới đóng bảo hiểm xã hội được 17 năm chưa đủ để hưởng chế độ hưu trí.Vậy là theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm xã hội TP Vinh, từ năm 2014, bà Dần lại phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, để có đồng lương hưu.
Cầm trong tay tập hồ sơ thành tích có đầy đủ chữ ký của Đảng ủy, Chính quyền và đoàn thể phường Hưng Dũng ký đề nghị lên trên xét danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi thấy mừng và hy vọng lần này mọi chuyện đến với bà thật suôn sẻ...