Gặp mặt 15 năm Ngày truyền thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội
- Tây Y
- 14:11 - 12/08/2019
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tặng quà cho các gia đình NNCĐDC.
58 năm qua, kể từ khi xảy ra thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019), cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và nhân dân thành phố Hà Nội luôn hết lòng giúp đỡ, tận tình chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin. Hiện nay, toàn thành phố có hơn 50.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, trong đó, có nhiều trường hợp bị tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ về nhiều mặt.
Trong nhiều năm qua, các cấp hội đã vận động được hơn 85 tỷ đồng, tặng quà cho trên 22 vạn nạn nhân khó khăn, trợ giúp vốn sản xuất cho 520 gia đình, làm và sửa nhà cho 200 gia đình, tặng 320 xe lăn cho nạn nhân tàn tật, khám bệnh cấp thuốc cho 36.500 người… Mạng lưới cơ sở hội từng bước mở rộng, phát triển với 30/30 quận, huyện, thị xã, 364/584 xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội, Chi hội, thu hút hơn gần 25.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin tham gia. Hội đã duy trì tốt cuộc vận động đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, phong trào “Nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào khác tại địa phương. Điển hình ông Cao Xuân Oanh, xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng; ông Trần Ngọc Khánh, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) với mô hình buôn bán thức ăn chăn nuôi…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các cá nhân.
Với kết quả đó, tại buổi lễ, 04 tập thể được Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tặng Bằng khen; 04 tập thể, cá nhân được UBND TP tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Hội, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã quan tâm ủng hộ về tinh thần và vật chất đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Qúy trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, nhận thức được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách là trách nhiệm song cũng là tình cảm lớn lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế, xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Vì vậy, thời gian tới, để chung tay tiếp tục làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương, Thông tri số 24 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công nói chung và với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin nói riêng; quan tâm giúp đỡ về tinh thần, vật chất để những nạn nhân chất độc da cam và con, cháu của họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn; lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân và vận động sự ủng hộ của nhân dân về vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các cấp Hội tiếp tục phát huy hơn nữa việc chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của Thành phố; các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục có những việc làm ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin để họ vượt qua nỗi đau da cam vươn lên hòa nhập cộng đồng.