THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Gặp lại tác giả ca khúc “Olympic Mátxcơva ánh nắng và tình yêu”

 

1. Mùa hè năm 1980, Olympic thế vận hội thể thao diễn ra tại thủ đô Mátxcơva (Liên Xô) Việt Nam tham dự với tinh thần ủng hộ Olympic. Để chuẩn bị cho chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của thể thao Việt Nam, công tác huấn luyện cho các đội tuyển được Đảng, Nhà nước, Tổng cục Thể dục thể thao đặc biệt quan tâm. Nhằm khích lệ, động viên cho vận động viên tham dự thế vận hội, Việt Nam chuẩn bị sẵn một đội văn nghệ hùng hậu ngày đêm tập luyện các bài hát mang tinh thần thể thao rực lửa, đầy sức cống hiến.

Đồng chí Phạm Lợi, cán bộ Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (sau này là Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội) đến gặp Lê Văn Tuấn (Lê Tuấn) - chàng thanh niên vừa du học Liên Xô về nhờ sáng tác một ca khúc cho đoàn nghệ thuật mang sang Liên Xô biểu diễn. Lê Tuấn không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng có tài năng về nghệ thuật. Khi còn là sinh viên, Lê Tuấn đã có nhiều tác phẩm âm nhạc nổi bật. Đặc biệt, với tài “cầm ca” thiên bẩm, anh có thể một mình vừa đàn vừa hát liên tục nhiều tiếng đồng hồ trên sân khấu. Anh là thủ lĩnh ban nhạc “lá xanh” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại thương) từng đạt giải nhất toàn miền Bắc khi dẫn đoàn tham gia cuộc thi sáng tác và biểu diễn các ca khúc chính trị. 

 

Sau này anh được biết đến là cha đẻ của âm nhạc CROR (dòng nhạc đạt kỷ lục thế giới về sự mới lạ, độc đáo).

 

Nhận lời mời của đồng chí Phạm Lợi, suốt một tuần liền anh đi lang thang hồ Gươm. Một buổi sáng thanh mát, những làn gió thoảng qua khẽ lay sợi tóc chàng thanh niên “má đỏ môi hồng”, chợt có điều gì len lỏi trong đầu, bất chợt những giai điệu của một bản nhạc vang lên. Như thể sợ mất, Lê Tuấn cầm dép chạy như bay mà quên mất đoạn đường từ hồ Hoàn Kiếm về tới nhà dài mấy cây số. Trong khoảng thời gian rất ngắn, Lê Văn Tuấn đã hoàn thành xong ca từ bài hát và bàn giao “thành quả” cho đồng chí Phạm Lợi.

Chỉ còn một tháng để các nghệ sĩ tập luyện, nên đồng chí Phạm Lợi muốn Lê Tuấn đến tập cùng đoàn. Thoáng chút bối rối, Lê Tuấn nói: “Họ là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo rất bài bản. Em chỉ là người yêu nghệ thuật, sáng tác nhạc không chuyên sao so bì được với người ta”. Phạm Lợi phân trần: “Vì chúng ta không có thời gian mà em lại là tác giả của bài hát. Sự xuất hiện của em chính là linh hồn của nhạc phẩm, sẽ truyền cảm hứng cho mọi người. Coi như em đến là vì anh”.

2.Trước lời thỉnh cầu của bậc đàn anh đáng kính, Lê Tuấn tới số nhà 20 phố Tràng Tiền tập luyện. Tại đây, nhóm nhạc Hoa Sen gồm những nghệ sĩ gạo cội của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thời bấy giờ, hăng say tập luyện, không ai quan tâm đến sự xuất hiện của Lê Tuấn, ông như người thừa giữa một rừng danh ca tên tuổi. Ngồi cả buổi sáng ở phòng tập không có ai nói chuyện với Lê Tuấn. Anh cảm thấy mình bị xúc phạm, nhưng nhớ đến người anh Phạm Lợi, Lê Tuấn cố kìm giữ tâm trạng. Đến trưa, đội tập nghỉ giải lao, ra ngoài uống nước chè, ăn kẹo lạc và hút thuốc lá sông Cầu. Lê Tuấn cũng theo ra ngoài, mua điếu thuốc Trường Sơn, lòng buồn bã, thất vọng tột cùng. Có lẽ ngày đó chẳng ai nghĩ một thanh niên thấp bé, nhẹ cân, chỉ biết học hành như Lê Văn Tuấn lại có thể sáng tác được nhạc, nên họ dửng dưng. 

 

Lê Tuấn (thứ hai bên trái) - thủ lĩnh một băng nhạc nổi tiếng.

 

Có vẻ như thấy sự tồn tại của Lê Tuấn hơi thừa nên trưởng nhóm Trọng Nghĩa bảo: “Bây giờ anh hãy thể hiện bài hát của anh đi, may ra chúng tôi sử dụng được”. Lê Tuấn giận tím mặt, trả lời: “Tôi nể anh Phạm Lợi đến đây để nghe các anh hát chứ không phải hát cho các anh nghe”. Rồi anh nhẹ nhàng: “Thôi được rồi, các anh đưa đàn cho tôi”. Lê Tuấn vừa đàn vừa hát liền hai bản nhạc do mình sáng tác. Chất giọng khỏe khoắn, trầm khàn, âm vang của một thanh niên 27 tuổi bung trào mạnh mẽ, dữ dội. Tất cả lặng yên, bên ngoài cửa sổ, trẻ con, người lớn xúm vào xem. Lê Tuấn tạm biệt ra về, trưởng nhóm luống cuống: “Chúng tôi mong anh nán ít phút với anh em”. Lê Tuấn nói: “Viết xong tác phẩm này tôi không mong muốn được người nào sử dụng, nhưng tôi biết chắc bài hát sẽ đem lại vinh quang cho những ai hát”. Nhấp ngụm trà, Lê Tuấn cầm đàn và cất cao giọng: “Từ trong trái tim tôi, Olympic Mátxcơva tỏa ngàn vạn tia nắng và tình yêu/ Không một kẻ thù nào ngăn nổi bước chân ta/ Không một kẻ thù nào ngăn nổi trái tim ta hướng về Olympic Mátxcơva/ Olympic thể thao - Hòa bình - Tự do…Olympic thể thao - Hòa bình - Tự do...”.

3. Mấy ngày sau, đồng chí Phạm Lợi gặp Lê Tuấn đưa giấy mời đến trụ sở Trung ương Đoàn tham dự buổi biểu diễn báo cáo trước các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và cũng là buổi tổng duyệt trước ngày đoàn lên đường sang Liên Xô biểu diễn.

Như bao khách mời khác, Lê Tuấn ngồi lặng lẽ nghe hết 9 ca khúc, mà chưa thấy bài hát của mình được xướng tên. Lê Tuấn nghĩ, có thể người ta gửi thư mời mình đến đây dự để an ủi. Ruột gan đang như lửa đốt thì trưởng nhóm Trọng Nghĩa trịnh trọng phát biểu: “Chương trình này chúng tôi đã mở đầu bằng bài hát “Viva Olympic Mátxcơva” và bây giờ là bài kết thúc mang tên “Olympic Mátxcơva ánh nắng và tình yêu” của Lê Văn Tuấn. Sở dĩ chúng tôi để anh chờ đợi lâu thế vì sức nặng của bài hát mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc”.

 

Lê Tuấn xông xáo, nhiệt huyết với nghệ thuật.

 

Tiếng vỗ tay vang lên khi bài hát vừa dứt. Một vị lãnh đạo mời Lê Tuấn lên phát biểu cảm tưởng. Trong niềm hạnh phúc Lê Tuấn khiêm tốn: “Khi anh Phạm Lợi giao nhiệm vụ, tôi cảm thấy bí  bách về thời gian và khó khăn về ý tưởng. Điều đầu tiên tôi nghĩ, phải làm thế nào cho người ta hiểu mình đi dự Olympic để cổ vũ, động viên họ. Hát bằng tiếng Liên Xô thì không mang màu sắc dân tộc mà hát bằng tiếng Việt thì các bạn nước ngoài không hiểu. Tôi cố gắng làm sao để nội dung thật súc tích và việc trình bày thật ngắn gọn. Điều quan trọng là nước bạn thấy được tinh thần của nước ta. Tôi từng nghĩ đến từ Viva Máxcơva, nhưng từ này nhạc sĩ Sĩ Thanh đã hát. Hoan hô Olympic Mátxcơva thì anh Trọng Loan đã dùng.

Cuối cùng tôi chỉ còn lại mỗi từ Olympic. Tôi phải làm sao để biến từ Olympic thành ngọn lửa trong bài hát. Vừa nghĩ tôi vừa hình dung đoàn người vừa đi vừa hát điệp khúc “Olympic thể thao - Hòa bình - Tự do... trong không khí bừng bừng khí thế thể thao và tinh thần đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ thế vận hội Olympic Mátxcơva”. 

SONG HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh