Gặp lại nữ cảm tử Trung đội Minh Khai năm xưa
- Dược liệu
- 18:03 - 29/04/2017
Gia nhập trung đội nữ cảm tử
Sinh năm 1933 ở quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1946 trong tình thế giặc bố ráp, lùng sục bắt bớ ngày đêm, Nguyễn Thị Kim Dung cùng gia đình tản cư vào Đồng Tháp Mười. Sau đó Nguyễn Thị Kim Dung được gửi lên Sài Gòn học. Tại Sài Gòn, tháng 1/1948, Kim Dung trốn nhà vào chiến khu, được bổ sung vào Trung đội nữ Minh Khai - trung đội nữ cảm tử đầu tiên của nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối tháng 3/1948, cùng Trung đội nữ Minh Khai, Kim Dung từ giã Chiến khu Láng Le - Bầu Cò để vào nội thành nhận nhiệm vụ.
Trở về thành, nhiệm vụ của Kim Dung hằng ngày chuyển tài liệu từ ngoại thành vào nội ô. Tháng 6/1948, nghe phong thanh Trung đội chuẩn bị tập kích rạp Majestic, Kim Dung gặp Trung đội trưởng Dư Thị Lắm xin tham gia và được chấp thuận. Lần đầu được trực tiếp đánh trận, Kim Dung bồi hồi mong đợi từng ngày, từng giờ. Trận tập kích do Chính trị viên Nguyễn Thị Huệ trực tiếp điều khiển dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Dư Thị Lắm. Bốn đội viên tham gia là Bùi Thị Huê, người lớn tuổi nhất (28 tuổi). Hoàng Thị Thanh (Từ Thị Đào), Mạc Thị Lan và Nguyễn Thị Kim Dung, năm đó 15 tuổi. Vũ khí chỉ có ba trái lựu đạn OF.
Nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Kim Dung thời trẻ.
Chuẩn bị vào trận, Chính trị viên Nguyễn Thị Huệ cùng với Hoàng Thị Kim Minh, đội viên Trung đội Minh Khai đồng thời là chủ tiệm may ở góc đường Garcerie - Mayer (nay là góc Phạm Ngọc Thạch - Võ Thị Sáu) cũng là một cơ sở của kháng chiến nhận nhiệm vụ điều tra hiện trường.
Hai người trực tiếp vào rạp để quan sát vị trí bọn sĩ quan Pháp sẽ ngồi xem phim. Hôm sau cũng chính chị Huệ và chị Minh mua sẵn bốn cái vé xem. Nhớ lại chi tiết vui hôm ấy, bà kể:
Lúc chị Huệ và chị Minh mua vé cũng có một “thằng Tây” cùng mua vé đứng bên cạnh. Nó hỏi “con Đầm” bán vé: “Rạp hát này đã bị ăn lựu đạn chưa?”. Con Đầm bán vé lắc đầu nguầy nguậy: “Jammais... jammais...” (không bao giờ). Nhưng nó đâu biết nó sắp sửa được ăn (lựu đạn).
Nghẹt thở trận đánh lịch sử
Theo kế hoạch, trận đánh được ấn định tối 10/6/1948. Nơi tập kết để chuẩn bị xuất phát là tiệm may của chị Kim Minh nằm trong một con hẻm cạnh góc đường Garcerie - Mayer.
Không có nhiều tiền, chị Huệ chắt chiu mua được món gì thì mua, mượn được món gì thì mượn để các chiến sĩ hóa trang thành những tiểu thư khuê các con nhà giàu vì khán giả rạp này phần đông là công chức và sĩ quan Pháp, còn lại hầu như là dân trí thức, bọn nhà giàu thân Pháp.
Trang sức là vàng giả, nhưng dầu thơm nhất định phải thứ hảo hạng mùi thơm phải sang trọng quý phái. Ngoài việc để tạo sự quyến rũ, dầu thơm ở đây còn được xem như một thứ vũ khí. Các chị được hướng dẫn phải xức dầu thơm thật nhiều, nhất là tóc, để sau khi hành động, lấy tay vuốt kỹ lên tóc, mùi dầu thơm sẽ át mùi tanh gang thép của lựu đạn. Trong tư thế ấy, Kim Dung bước vào trận đánh. Từ nhà chị Kim Minh, bốn chị em xuất phát. Tháng sáu Sài Gòn đang độ vào hè với những cơn mưa đầu mùa bất chợt. Vậy mà chiều hôm ấy, bầu trời lại xanh trong thoáng đãng, không khí mát mẻ dễ chịu. Kim Dung cùng Mạc Thị Lan từ trong nhà đi bộ ra đầu hẻm trước, ngoắc xích lô, leo lên. Lan dẫn theo một cậu em trai nhỏ cho bọn lính kín không chú ý. Thanh và Huê tiếp tục theo sau.
Dù có tuổi, nhưng bà Dung vẫn giữ được nhan sắc một thời.
Ngồi trên xe, Kim Dung ôm chặt cái bóp đầm trong tay, lát lát lại mân mê quả lựu đạn OF đã được giấu kỹ dưới đáy bóp. Thỉnh thoảng tim cô rung lên, một cảm giác hồi hộp lan khắp cơ thể. Còn cách rạp hát một đoạn, Dung và Lan xuống xe bước vào một tiệm bánh kẹo của Chà Và mua một gói kẹo vừa chia nhau ăn vừa lững thững như đi dạo. Đến rạp, ngước nhìn tấm pano lớn ghi tựa đề phim bằng tiếng Pháp: Adieu Cherie (Vĩnh biệt em yêu) cùng với hình cô đào Danielle Darrieux được phóng to, Dung và Lan vào cửa phía tay mặt còn chị Huê và Thanh vào cửa bên tay trái. Ngang qua tên lính gác, Dung bình tĩnh một tay bợ dưới chiếc bóp đầm nắm chặt quả lựu đạn, một tay mở khóa bóp đưa ngang mặt hắn đồng thời nở một nụ cười rất duyên. Hắn không nói gì, gương mặt sắc và lạnh, đầu hất nhẹ vào bên trong ra dấu bảo vào. Theo số thứ tự ghi trên vé thì vị trí ghế ngồi của Dung ở sát vách bên phải khoảng gần giữa rạp. Thông lệ, trước khi vào phim chính, mười lăm phút đầu rạp chiếu phim phụ. Thời khắc ném lựu đạn được quy định là thời gian chuyển đổi giữa phim chính và phim phụ. Đó là một tích tắc ngắn ngủi rạp hát chìm trong bóng tối.
Dung ngồi chờ đợi, thời gian trôi qua thật chậm, không gian như đặc quánh lại, màn hình trước mặt Dung chỉ còn là những hình ảnh trắng trắng, đen đen chớp tắt qua lại. Dưới hàng ghế, Tây trắng Tây đen lủ khủ, khán giả im phăng phắc, chỉ có âm thanh phát ra từ màn ảnh - những âm thanh loáng thoáng, mơ hồ... Mọi thứ xung quanh như không tồn tại. Dung nghe rất rõ tim mình đang đập, trong đầu duy nhất một sự chờ đợi, chờ đợi... Trong lúc mọi người đang dán mắt vô màn ảnh, Dung hồi hộp từ từ mở bóp lấy lựu đạn ra cầm trên tay và rút chốt. Cần lựu đạn được ép sát giữa hai ngón tay cái và trỏ. Bàn tay Dung dần dần tê cứng. Cô biết lúc này nếu chỉ run tay một chút, cần lựu đạn bật ra, phát nổ, chẳng những trận đánh thất bại mà người chịu sát thương trước hết chắc chắn sẽ là cô. Hai mắt Dung căng ra, đếm từng giây, chờ đợi cái tích tắc quan trọng ấy. Và nó đã đến. Phim phụ kết thúc, màn hình vừa chớp, trong cái sát na thời gian rạp hát bao trùm bóng tối ấy, Dung tung quả lựu đạn ngược về phía sau xéo vào trong giữa rồi đưa tay vuốt nhiều lần lên tóc. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên. Liền theo đó là hai tiếng nổ nữa nối tiếp nhau. Vậy là cả ba quả OF đều nổ. Đèn vụt sáng lên.
Sự kinh hoàng không sao tả xiết, xác bọn sĩ quan Pháp nằm la liệt, máu chảy thành vũng, tiếng người bị thương kêu la, tiếng bọn Tây rống lên sợ hãi. Mọi người giẫm đạp lên nhau sấp ngửa tràn ra cửa rạp. Bên ngoài, tiếng xe cứu thương, tiếng còi báo động rú inh ỏi. Một quang cảnh thật rùng rợn. Dung theo dòng người hoảng loạn chạy ra ngoài. Không còn kịp nữa. Cô bị kẹt lại, lo tìm cách đối phó. Dung suy nghĩ “muốn cho chúng loại mình ra khỏi diện tình nghi, thì phải làm sao chứng minh mình không liên quan”. Nhìn thấy vé xem phim rơi vãi khắp nơi, Dung chợt nghĩ nếu chứng minh được mình ngồi ở chỗ không thể nào quăng lựu đạn được thì mình sẽ thoát. Thừa lúc lộn xộn, Dung lấy vạt áo dài che chắn, thò tay lượm một vé dưới sàn xem vị trí số ghế. Phải mấy lượt như vậy, Dung mới chọn được một vé mà căn cứ số ghế của mình, Dung nhẩm tính cái vé này thuộc về chỗ ngồi gần cửa ra vào, phía bên phải và bên trái không có người ngồi. Dung cầm cái vé mới lượm được trên tay bình tĩnh lại chỗ ngồi. Khi đó, bọn PSE (Police Speciale de I’Est - Cảnh sát đặc biệt miền Đông) ào vô ngày càng nhiều. Chúng ra lệnh ai về chỗ nấy. Đến lượt Kim Dung do nói thạo tiếng Pháp, trả lời trôi chảy các câu hỏi của bọn Cảnh sát, chúng cho cô về.
Tổn thất quá lớn sau trận đánh Majestic khiến địch quyết tâm bắt cho bằng được những người trực tiếp quăng lựu đạn. Ngoài chị Hoàng Thị Thanh may mắn thoát thì Bùi Thị Huê, Mạc Thị Lan và Kim Dung lần lượt bị bắt. Đặc biệt trường hợp chị Nguyễn Thị Đào mặc dù không phải là Từ Thị Đào (một tên khác của Hoàng Thị Thanh) nhưng khi bị bắt, chị vẫn nhận mình là người ném lựu đạn rạp Majestic.
Nhiều năm sau, gặp lại Kim Dung, Nguyễn Thị Đào phân trần: “Tôi không tham danh tiếng hay muốn lập công. Chẳng qua tôi muốn đánh lạc hướng để chúng không điều tra về các trận đánh trước đây mà tôi từng tham gia. Nhưng cái chính là chúng đe dọa nếu tôi không nhận, chúng sẽ cắt dương vật em Thành (là em trai của Mạc Thị Lan, không biết vì sao bị bắt?). Sau đó không bao lâu, chị Nguyễn Thị Huệ, Chính trị viên cũng bị địch bắt giam. Đến năm 1949, chị Dư Thị Lắm bị bọn mật thám bốt Polo bắt và thủ tiêu. Trung đội Nguyễn Thị Minh Khai từ đó chấm dứt vai trò lịch sử.