THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Gặp gỡ Việt Nam - Đưa khoa học gắn liền với giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai

 

Hội Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) do GS. Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành từ năm 1993 trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (50 năm, từ 1966) và Gặp gỡ Blois (28 năm, từ 1989) nhằm hỗ trợ cho Việt Nam về mặt khoa học và giáo dục. Một trong những mục tiêu chính của Hội là đóng góp một phần nào vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam.

Theo GS Trần Thanh Vân, “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14 năm 2018 có 12 hội nghị khoa học quốc tế và 6 lớp học chuyên đề khoa học với sự tham gia của hơn 1500 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 5 Giáo sư đạt giải Nobel, và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Trong đó Hội thảo “Khoa học để phát triển” là một trong hai sự kiện lớn trong năm 2018. Hội thảo này nhận được sự bảo trợ tối cao của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emanuel Macron và bảo trợ của tổ chức UNESCO. Hội thảo đã quy tụ 3 Giáo sư đạt giải Nobel, nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn như SOLVAY (Hoá chất), AIRBUS (sản xuất máy bay), SANOFI (Dược phẩm); Sự kiện thứ hai là Hội thảo khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” tổ chức từ ngày 6-11/8/2018 với sự tham dự của 2 giáo sư đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, Hội GGVN cũng sẽ tổ chức các buổi giao lưu giữa các giáo sư đạt giải Nobel, các nhà khoa học danh tiếng với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

 

Phó Chủ tịch nước trao Huân chương hữu nghị cho hai Giáo sư Lê Kim Ngọc và Giáo sư Trần Thanh Vân


Hội GGVN đã tổ chức 13 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế. Xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định, khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 12 tháng 8 năm 2013 đánh dấu bằng Hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” trong “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX” với sự tham dự của 5 Giáo sư đạt giải Nobel, 1 Giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học Khoa học chuyên đề với hơn 3500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields, 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), 1 giáo sư đạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và CINO DELDUCA (Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác. Bên cạnh các hội nghị hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, các buổi giao lưu trực tuyến, trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel và học sinh, sinh viên. Trước đó, “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016 (26/6-17/12/2016) có 12 hội nghị khoa học quốc tế và 3 lớp học chuyên đề Vật lý quốc tế với sự tham gia của hơn 1600 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 5 Giáo sư đạt giải Nobel, 1 Giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.

Hội Gặp gỡ Việt Nam đã có nhiều chương trình đóng góp về đào tạo, trong đó từ năm 1993 đến nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam tài trợ tổ chức hơn 35 lớp học quốc tế về Vật lý lý thuyết, Vật lý Thiên văn, Toán học, Toán học ứng dụng trong y học để đào tạo nhân lực khoa học chất lượng cao trong các lĩnh vực này cho Việt Nam và giúp đỡ các sinh viên, nghiên cứu viên trẻ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi các giáo sư giỏi, tìm kiếm các cơ hội làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Vận động Viện Vật lý giúp đỡ cho Khoa Vật lý Đại học Quy Nhơn, cho phép tham gia vào chương trình phát triển Vật lý quốc gia đến 2020, tham gia vào ban tổ chức của các hội nghị quốc gia... qua đó từng bước xây dựng đội ngũ và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho Khoa Vật lý Trường Đại học Quy Nhơn.

Bên cạnh đó, Hội GGVN còn tổ chức chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao phối hợp với các trường kỹ sư ứng dụng quốc gia Pháp (INSA); Chương trình học bổng Gặp gỡ Việt Nam-Vallet; Chương trình triển khai phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột (BTNB). Đặc biệt Hội giúp Việt Nam xây dựng 3 làng SOS Đà Lạt (1974), SOS Huế (2000, trước đây là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân), SOS Đồng Hới, Quảng Bình (2006). Đã có nhiều em trưởng thành và thành đạt (gần đây, 1 em đã trình Tiến sỹ Vật lý tại Nhật Bản, 1 em đã bảo vệ Tiến sỹ tại Việt Nam và đang làm giảng viên tại Đại học Khoa học Huế, nhiều em được học đại học, cao đẳng hoặc học nghề, có nghề nghiệp ổn định có thể tự lo cuộc sống cho bản thân và gia đình và nhiều em đã trở lại giúp các em mồ côi.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh