THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Gặp gỡ và đối thoại “Chuyện trà Mạn Hảo ở đất kinh kỳ”

Mạn Hảo là một danh trà nức tiếng, từng đi vào ca dao và được coi là một trong ba thú vui của đấng nam nhi Việt một thời: Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều.

Nguyên liệu sản xuất loại trà này phải lấy từ những cây trà shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên tại rừng núi phía Bắc hùng vĩ của Việt Nam, khí hậu, nguồn nước trong lành, quanh năm sương phủ mây bay giúp cho búp trà có được chất lượng tuyệt hảo riêng có. Búp hoặc lá trà bánh tẻ sau khi thu hái, làm sạch, được cho vào chõ đồ chín, đóng bánh, phơi khô. Tiếp đó bánh trà được cho vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ 3-4 năm cho trà lên men bớt chất chát hết mùi ngái, có độ xốp như giấy bản mà vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng mới đem ra dùng. Trà Mạn Hảo khi đóng bánh thường được đề năm sản xuất, và trà càng để lâu năm càng có giá trị cao.

Chịu ảnh hưởng trước thời thế cùng các biến động lịch sử, trà Mạn Hảo từng đứng trước nguy cơ thất truyền; nhưng sức hấp dẫn của một danh trà nức tiếng cuối cùng vẫn giúp loại trà này duy trì được mạch ngầm tồn tại cho đến ngày nay.

Chị Nguyễn Thu Trang, là dâu con đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Đình sinh sống tại Hà Nội, chia sẻ về trà Mạn Hảo thương hiệu Diên Thái.

Chị Nguyễn Thu Trang, là dâu con đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Đình sinh sống tại Hà Nội, chia sẻ về trà Mạn Hảo thương hiệu Diên Thái.

Trà Mạn Hảo Diên Thái của dòng họ Nguyễn Đình

Tại đất kinh kỳ Kẻ Chợ phồn hoa (tức thủ đô Hà Nội ngày nay), từ đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 dòng họ Nguyễn Đình có tới 7 đời chuyên buôn bán trà Mạn Hảo với thương hiệu Diên Thái. Những thăng trầm trong nghiệp kinh doanh trà cũng như những thăng trầm của chính dòng họ Nguyễn Đình được ghi chép cụ thể trong các trang gia phả, trang sách đến nay vẫn còn được thế hệ sau gìn giữ cẩn thận.

Là dâu con đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Đình sinh sống tại Hà Nội, chị Nguyễn Thu Trang cho biết, dòng họ nhà chị có gốc gác ở xã Hạ Thái, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng xưa. Vào năm 1719, để tránh sự hà hiếp của đám chức sắc trong làng, cụ ông Nguyễn Đình Huyễn của gia đình chị, còn có tên khác là Cả Giới năm đó 25 tuổi, đã quyết tâm rời làng lên Kẻ Chợ tìm đường làm ăn sinh sống. Nhờ đầu óc nhanh nhạy, cụ Huyễn nhận thấy người Kẻ Chợ đặc biệt yêu thích dòng chè Mạn Hảo, nên khi có chút vốn liếng bên cạnh việc buôn thuốc lào, cụ còn buôn cả chè Mạn Hảo. Vì giữ được chữ tín, nên dù vốn còn nhỏ, cụ vẫn thực hiện được những vụ buôn bán lớn, nên tiền lãi tăng đều, vốn liếng được tích tụ dần. Không lâu sau, cụ mua được một ngôi nhà gạch tọa lạc ở phố Hàng Lam thuộc phường Diên Hưng sầm uất nhất Kẻ Chợ và chuyển gia đình về đó vừa sinh sống vừa buôn bán. Thương hiệu trà Mạn Hảo Diên Thái của dòng họ Nguyễn Đình được cụ Nguyễn Đình Huyễn ghép hai chữ “Diên” trong phường Diên Hưng và chữ “Thái” trong xã Hạ Thái, để ghi nhớ nơi lập nghiệp cũng như gốc gác của gia đình mình.

Chị Thu Trang cho biết, câu chuyện kinh doanh trà Mạn Hảo của dòng họ Nguyễn Đình nhà chị được ghi chép trong các cuốn gia phả của dòng họ. Đặc biệt một phần nội dung này đã được ông nội chồng chị thuộc đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Đình tại Hà Nội - cụ Viên Mai Nguyễn Chí Công - dày công tìm hiểu và viết lại trong cuốn sách “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” vừa được tái bản cách đây hai năm.

Viết tiếp câu chuyện trà Mạn Hảo tại đất kinh kỳ    

Để viết tiếp câu chuyện về trà Mạn Hảo, gia đình anh Trần Lê Trung và chị Ngô Thị Thúy Hà – vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống làm chè lâu đời ở Hà Giang – đã quyết tâm tìm hiểu và khôi phục dòng chè này. Sau nhiều năm nghiên cứu sách vở và lặn lội sang tận Vân Nam Trung Quốc để học hỏi làm chè từ những nghệ nhân có tiếng, năm 2014, gia đình anh Trung chị Hà đã khôi phục thành công dòng chè danh tiếng này.

Chị Ngô Thị Thúy Hà – một chuyên gia về trà với 18 năm kinh nghiệm, thành viên Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ câu chuyện khôi phục trà Mạn Hảo.

Chị Ngô Thị Thúy Hà – một chuyên gia về trà với 18 năm kinh nghiệm, thành viên Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ câu chuyện khôi phục trà Mạn Hảo.

Xuất thân là chuyên viên cao cấp của Hiệp hội Chè Việt Nam, chị Thúy Hà có 18 năm kinh nghiệm trong ngành trà, từng đi quảng bá về văn hóa trà tại rất nhiều quốc gia trên thế giới trước khi chính thức cùng chồng khôi phục thành công trà Mạn Hảo. Đây là những kinh nghiệm, trải nghiệm thú vị không phải ai cũng có điều kiện để trải qua. Quá trình làm việc, học hỏi đúc kết này giúp chị Hà đã có được kiến thức dày dặn về trà cũng như đào tạo về trà. Từ năm 2015, chị tham gia chương trình giảng dạy Tea Master Cup. Chương trình là nơi đào tạo cho các học viên kiến thức về trà, hướng dẫn pha, thử nếm các dòng trà; đồng thời cũng là nơi chị gắn kết, truyền tình yêu, đam mê với trà cho những người quan tâm. Những buổi nói chuyện, chia sẻ, giảng dạy về trà, thưởng trà, đặc biệt là trà Mạn Hảo của chị Hà với khán giả thủ đô là cách chị viết tiếp câu chuyện của trà Mạn Hảo tại đất kinh kỳ.

Chị Hà cho biết: “Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng hữu ích hữu ích của trà với sức khỏe con người, đặc biệt là dòng trà lên men như Mạn Hảo. Nỗ lực khôi phục và giới thiệu dòng trà danh tiếng này đến với mọi người, chúng tôi không chỉ muốn người dùng trà biết đến thứ danh trà quý dành cho lớp nho sĩ, trí thức, quan lại và hoàng tộc xưa; mà chúng tôi còn muốn giới thiệu đến mọi người một loại trà chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như Mạn Hảo”.

Việt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh