THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:34

Gạo Dự trữ Quốc gia hỗ trợ nhân dân luôn đảm bảo chất lượng

 

Gạo dự trữ quốc gia đã được UBND tỉnh Quảng Bình phân bổ về các địa phương để hỗ trợ ngư dân


Ông Phạm Việt Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết ngày 27/1/2017 (tức 30 Tết), Tổng cục DTNN đã hoàn thành xuất cấp cho 17 tỉnh, thành phố số lượng hơn 14.114 tấn gạo, đạt 100% kế hoạch, để hỗ trợ nhân dân các địa phương. Gạo DTQG cấp hỗ trợ các địa phương đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và theo đúng kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh.
Đánh giá thêm, ông Hà cho biết: Qua việc rút kinh nghiệm từ hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán các năm trước, ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của UBND các tỉnh, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước để kịp thời trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ gạo cho các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Tổng cục DTNN cũng chủ động thông báo cho các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn có nhu cầu hỗ trợ chủ động liên hệ với địa phương tiếp nhận gạo, kịp thời có kế hoạch xuất kho, thuê phương tiện vận chuyển, phân bổ, giao, nhận gạo ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng.

Về công tác hỗ trợ gạo cho học sinh, học kỳ I năm học 2016-2017, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã xuất hơn 35.657 tấn gạo cho 539.736 học sinh thuộc 47 tỉnh. Học kỳ II năm học 2016-2017, Tổng cục DTNN đã xuất trên 29.215 tấn gạo cho 487.159 học sinh thuộc 47 tỉnh. 

Giải đáp “nghi ngờ của dư luận” về chất lượng gạo DTQG mà một số phóng viên nêu ra tại buổi họp báo, ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định: Cho đến nay, chất lượng gạo DTQG ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cho người sử dụng đều đảm bảo chất lượng theo quy định.
Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước phát biểu tại buổi họp báo

Lý giải nguyên nhân sự khẳng định này, ông Thời đưa ra quy trình dự trữ. Trước tiên, khi nhập, gạo vào kho đều có tiêu chuẩn quy định cụ thể về chất lượng, chỉ tiêu quy định và được tiến hành kiểm tra rất chặt chẽ. Sau đó, trong quá trình bảo quản, các đơn vị DTNN áp dụng công nghệ bảo quản kín hiện đại để đảm bảo có thể giữ được theo quy định là 24 tháng.
Khi xuất gạo cho người sử dụng, các Cục DTNN khu vực phải lấy mẫu, cùng với đơn vị tiếp nhận đối chứng và cùng ký biên bản lưu lại.
Cùng với quy trình chặt chẽ đó, lãnh đạo Tổng cục DTNN cũng luôn yêu cầu các đơn vị tại khu vực không được chủ quan với chất lượng gạo mà vẫn phải kiểm tra kỹ một lần nữa tại cửa kho ngay khi xuất. 
“Vừa rồi có một sự việc báo chí phản ánh là gạo phát cho nhân dân ở các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã tổ chức đi kiểm tra và xác nhận đó là gạo của một đơn vị phi chính phủ hỗ trợ cho người dân, không phải gạo DTQG” – Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề nguyên tắc phê duyệt đề nghị xin gạo DTQG của các địa phương để tránh các tỉnh đã tự chủ được ngân sách mà vẫn xin hỗ trợ, ông Lê Văn Thời cũng cho biết: Không phải cứ địa phương “xin” là Trung ương “cho” mà phải tuân theo quy định cụ thể.

Đối với các địa phương tự chủ được ngân sách, có trích dự phòng thì sau khi dùng hết dự trữ ở địa phương thì mới đề nghị với Trung ương để cấp thêm.

Việc này không chỉ do Bộ Tài chính quản lý mà có sự tham gia của cả Bộ NN&PTNT. Khi địa phương có đề nghị, Tổng cục DTNN làm văn bản gửi sang Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính để rà soát nguồn dự phòng của tỉnh còn hay hết. Nếu không đáp ứng được thì Bộ Tài chính mới đề nghị với Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng thẩm định những nội dung liên quan đến phần quản lý của mình. Khi có sự thẩm định của cả hai Bộ, Thủ tướng Chính phủ mới xem xét, quyết định có xuất cấp gạo cho địa phương đó hay không.

Trả lời câu hỏi “Nếu hàng DTQG không đủ để đáp ứng nhu cầu thì Tổng cục DTNN xử lý như thế nào?”, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời khẳng định: Đến lúc này, chưa bao giờ hàng DTQG thiếu để cấp cho địa phương.

 Đơn cử như về lương thực, hiện nay đang được bảo quản ở 2 mặt hàng là gạo và thóc. Thóc có ưu điểm là thời gian bảo quản lâu hơn nhưng khi cần phải qua gia công mất thời gian hơn nên phải dự trữ cả gạo. Khi cần kíp thì xuất cấp gạo cho kịp thời. Nếu địa phương đề nghị mà không cần gấp thì lúc đó xay thóc để cấp. Như vậy, việc dự trữ bao nhiêu, như thế nào đã được đơn vị tính toán theo nhu cầu từng thời điểm nên số lượng hàng luôn có sẵn trong kho dự trữ.


LINH LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh