Gần 96% người khuyết tật tiếp cận dụng cụ trợ giúp qua việc cho, tặng
- Dược liệu
- 08:45 - 10/12/2022
Nhu cầu sử dụng DCTG của NKT rất lớn
Liên Hiệp hội về NKT Việt Nam đã tiến hành khảo sát qui mô nhỏ về thực trạng sử dụng và nhu cầu đối với DCTG của NKT. Khảo sát dựa trên tài liệu hướng dẫn đánh giá nhanh về nhu cầu Công nghệ trợ giúp (rATA) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tập trung làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến DCTG đối với NKT.
Theo đó, về khả năng tiếp cận và chi trả, khảo sát được thực hiện trên những NKT sử dụng các loại DCTG như: 11 người sử dụng cặp nặng Inox, 8 người sử dụng xe lắc, 12 người sử dụng chân giả và xe lắc, 1 người sử dụng xe ba bánh, 2 người sử dụng giày nẹp và 1 người sử dụng gậy dò đường.
Các DCTG này được NKT sử dụng hằng ngày, điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng DCTG của NKT rất lớn. Bên cạnh đó NKT phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe cá nhân và nhu cầu để lựa chọn dụng cụ phù hợp nhất, giúp đảm bảo sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, tham gia các hoạt động xã hội và lao động kiếm sống. Như trường hợp ở Bình Định, NKT sẽ lựa chọn chân giả khi phải cân nhắc giữa chân giả và xe lắc hoặc như trường hợp chọn gậy khi phải lựa chọn giữa gậy và xe ba bánh vì những dụng cụ đó thiết thực hơn, giúp đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Qua khảo sát có thể thấy 95,55% đối tượng được tiếp cận DCTG là thông qua việc được cho, tặng, hỗ trợ trong đó có đến 82,2% các trường hợp là do tổ chức từ thiện trao tặng. Chỉ có 4,44% là tự mua, tự chi trả cho DCTG của mình. NKT cũng rất khó khăn trong việc có thể tiếp cận DCTG do các sản phẩm cũng không sẵn có tại địa phương. Với suy nghĩ rằng không đủ tiền để mua DCTG, NKT vốn đã ít biết đến các sản phẩm và các thông tin liên quan đến DCTG thì lại càng không tìm hiểu. Ngay cả đối với hai trường hợp mua và tự làm đều khẳng định không thể chi trả và nếu có cũng chỉ là chi trả một phần.
Về sự phù hợp và và chất lượng của DCTG, 100% NKT cho rằng các DCTG được sử dụng thường xuyên, hằng ngày. Về các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dụng cụ, có 3 trường hợp cho rằng không thoải mái, phù hợp cần đo lại kích cỡ và 5 trường hợp cảm thấy không thoải mái, đau, bất tiện, trong đó có 1 trường hợp là tự mua; 2 trường hợp do dụng cụ đã cũ, hư hỏng và trục trặc dẫn đến đau và không thoải mái; 1 trường hợp khác sử dụng đau nhưng thuận tiện là sử dụng nạng để di chuyển thay vì sử dụng xe lăn do diện tích nhà hẹp không thể dùng xe lăn.
Cùng với đó, nhiều ý kiến khảo sát cho rằng dụng cụ rất tốt, phù hợp nhưng do được cấp, tặng từ lâu, qua nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, trục trặc nên mong muốn được đổi dụng cụ mới do không có khả năng tự mua mới…
Về tác động tính hiệu quả, 100% NKT khảo sát đều cho rằng sức khỏe của bản thân tốt lên từ khi có DCTG, tình trạng tật được cải thiện do có thể hoạt động, vận động và tham gia nhiều hơn. NKT không những chỉ phục vụ bản thân mà còn tham gia được vào các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè, mở rộng giao lưu mà còn có thể lao động kiếm sống, góp phần đảm bảo kinh tế cho bản thân, hỗ trợ cho gia đình. Trong đó, 38 ý kiến cho rằng nếu không có DCTG thì rất khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày cũng như cải thiện đời sống và 7 NKT không có ý kiến nào khác về vấn đề này.
Về mong muốn, đề xuất, 100% NKT khảo sát đều cho rằng BHYT nên chi trả và chi trả toàn bộ đối với DCTG đối với NKT. Hầu hết các lý do đưa ra đều cho rằng bản thân khó khăn, không thể chi trả đối với DCTG.
Các ý kiến khác về nhu cầu, khả năng chi trả DCTG của NKT, có 11 ý kiến xin được cấp DCTG mới thay cho DCTG đã cũ, 22 ý kiến đề nghị BHYT chi trả 100% và 27 người không có ý kiến nào khác.
Khảo sát cũng cho thấy, trong khi nhu cầu của NKT đối với việc sử dụng DCTG là rất lớn mà NKT lại không có khả năng chi trả lên tới 97,8% và 2,2% còn lại chỉ có thể chi trả một phần để mua DCTG. Hầu hết các DCTG mà NKT đang sử dụng đều có được từ việc cho, tặng, nhưng có tới trên 81% là từ các tổ chức phi chính phủ, từ thiện; trên 6% do bạn bè, người thân tặng; tự chi trả chưa đến 5% và từ ngân sách nhà nước chưa đến 7%.
Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách đối với NKT
Qua cuộc khảo sát trên, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam đề xuất một số khuyến nghị như: Cần có cuộc khảo sát toàn diện với qui mô rộng hơn cũng như có những nghiên cứu, đánh giá về thực trạng và nhu cầu sử dụng DCTG đối với NKT. Nghiên cứu, đánh giá vai trò và tác động của DCTG đối với NKT trên cơ sở đó từng bước mở rộng danh mục DCTG được BHYT chi trả. Nghiên cứu các mô hình cung cấp dịch vụ DCTG đối với NKT như xã hội hóa bên cạnh nguồn lực nhà nước; dịch vụ cho thuê DCTG; tái sử dụng DCTG… trên cơ sở đó qui định chính sách rõ ràng.
Cùng với đó, có qui định về tiêu chuẩn, qui chuẩn DCTG đối với NKT; nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế... Tăng cường tuyên truyền, truyền thông liên quan đến DCTG đối với NKT. Ngoài ra, cần có cơ chế để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia hỗ trợ DCTG, thúc đẩy, phát triển dịch vụ cung cấp DCTG, sản xuất, sửa chữa, xuất nhập khẩu, kích cầu, hạ giá thành…
Các tổ chức vì NKT, phi chính phủ, các cá nhân cần đẩy mạnh tham gia thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đối NKT, góp ý sửa đổi, bổ sung và thực thi, giám sát thực hiện hiệu quả các chính sách đối với NKT, trong đó tăng cường các hoạt động liên quan đến DCTG đối với NKT.