Gần 70% doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM quay trở lại thị trường
- Văn hóa - Giải trí
- 06:44 - 30/07/2022
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, tất cả các doanh nghiệp đều tập trung mọi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đầu tư làm mới hầu hết các sản phẩm, trải nghiệm phù hợp tình hình thị trường hiện nay, đáp ứng tối đa, kịp thời và tốt nhất nhu cầu du lịch sau dịch của từng khách hàng, hàng loạt các chương trình kích cầu du lịch được tung ra với nhiều ưu đãi, giảm giá kèm theo những chính sách hỗ trợ giá tốt cũng như các quà tặng đi kèm cho du khách khi đăng ký tour, tặng các dịch vụ hỗ trợ khi đặt phòng nghỉ… đồng thời, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt các doanh nghiệp lữ hành hiện đã sẵn sàng và chuẩn bị kỹ từ 2, 3 tháng trước với nhiều sản phẩm du lịch mới với kỳ vọng sẽ đón tiếp lượng khách quốc tế lớn đến Thành phố trong dịp hè năm nay.
Theo ghi nhận của phóng viên, công suất phòng khách sạn ở TP.HCM tăng đáng kể, nhiều khách sạn đã đạt mức 85-90% so với con số 10-20% hồi đầu năm 2022, ngoài ra, các khách sạn còn cho biết, mức công suất phòng còn có thể tăng cao hơn nếu tình trạng thiếu nhân sự buồng phòng được cải thiện sớm.
Như khách sạn Park Hyatt Saigon, Sheraton Sài Gòn, Silverland Hospitality tình hình kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ tháng 3, bước vào hè công suất phòng tăng mạnh, hiện nay đạt 80 - 90%, chủ yếu đối tượng khách chính vẫn là doanh nhân, tỉ lệ người Việt và khách người nước ngoài.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện các doanh nghiệp lữ hành đã dần phục hồi và hoạt động trở lại, theo thống kê có gần 70% doanh nghiệp lữ hành quay trở lại thị trường. Hàng tháng có khoảng 20 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành. Riêng trong tháng 5, 6/2022 không có doanh nghiệp rút giấy phép.
Đại diện của doanh nghiệp lữ hành Vietravel cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phục vụ hơn 200 ngàn lượt khách trong và ngoài nước, dù con số này khá khiêm tốn trước đại dịch nhưng đây là con số ấn tượng sau khi tái khởi động lại du lịch.
Doanh nghiệp lữ hành TST, doanh nghiệp này đã phục vụ cho hơn 12 ngàn lượt khách với doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Đối với công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, thời gian qua, những sản phẩm du lịch ở Thành phố được khai thác rất tốt, thu hút đều đặn lượng khách hằng ngày và đặc biệt tăng mạnh vào dịp cuối tuần và dịp lễ. Ngoài ra, Lữ hành Saigontourist đang khai thác các sản phẩm tuyến tham quan và trải nghiệm dịch vụ 5 sao tại các khách sạn cổ của Thành phố, các di tích văn hóa, tín ngưỡng ở khu Chợ Lớn (quận 5); tìm hiểu về lịch sử đội biệt động Sài Gòn gắn liền với chiến thắng 30/4 lịch sử; hay nghe nhạc vi vu dạo phố Sài Gòn trên xe buýt 2 tầng, xe buýt sông; ngắm hoàng hôn sông Sài Gòn trên du thuyền...
Bên cạnh đó tiến độ khai thác sản phẩm du lịch mới của Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực, chủ động làm mới các trải nghiệm tại điểm tham quan để thu hút du khách. Điển hình như Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cho du khách tham quan miễn phí nông trại rộng 5 ha được canh tác theo quy trình công nghệ của Nhật Bản và nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ du khách trong dịp cao điểm hè; Công viên văn hóa Đầm Sen cam kết không tăng giá vé dịp hè 2022 mặc dù có tổ chức thêm một số hoạt động như lễ hội diễu hành caravan, lễ hội thả diều vào sáng chủ nhật hàng tuần; Khu du lịch Bình Quới lần đầu tiên bán chương trình trải nghiệm trọn gói từ 1 - 2 ngày cho du khách; Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đưa vào hoạt động khu trò chơi cảm giác mạnh mạo hiểm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy mới mẻ và thú vị vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc: khu liên hoàn trên cây với 15 thử thách trên cây, tổng độ dài 350m; Zipline xuyên rừng dài 80m và khu nhảy Tazan với độ cao 8m.
Thời gian tới, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức khảo sát, thiết kế các tour/tuyến du lịch nội vùng (quận, huyện) như chương trình “Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn”, “Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ”, “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”,… Ngoài ra, Sở Du lịch cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền, quận 11 (TP.HCM đã có 2 phố đi bộ là Nguyễn Huệ và phố đi bộ - khu ẩm thực “Tây ba lô” Bùi Viện…), phối hợp huyện Nhà Bè khảo sát các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông. Đồng thời xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, cần đẩy mạnh tính liên kết trong hoạt động kinh doanh, cũng như trong công tác quảng bá sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố; chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm mới góp phần định vị du lịch Thành phố HCM trong dịp Hè 2022 và những năm tiếp theo.