Gần 600 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương châm “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”
- Huyệt vị
- 15:52 - 16/07/2021
Từ ngày 13/7, UBND TPHCM đã có công văn chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai tiêu chí: Thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”: tức chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân). Theo yêu cầu trên, từ 0 giờ ngày 15-7, doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu trên thì phải dừng hoạt động.
Đại diện Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết, đến ngày 15/7, có gần 600 doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ, với gần 123.900 công nhân.
Để khích hoạt phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã trở thành nơi lưu trú cho 50 công nhân chủ chốt. Từ đầu tháng 7 người lao động ở lại sinh hoạt và làm việc ngay trong công ty để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Được biết, đây cũng là 1 trong 40 doanh nghiệp đầu tiên của TP.HCM thí điểm mô hình này. Vật dụng sinh hoạt như chiếu, chăn, tủ lạnh, đồ ăn khô, nhà vệ sinh đã được chuẩn bị sẵn.
Anh Trần Hoàng Nam, 1 công nhân thâm niên trong công ty chia sẻ: “Ban đầu, khi nghĩ phải xa gia đình để ở lại công ty, tôi cũng hơi suy nghĩ. Nhưng khi Ban phòng chống dịch của công ty phân tích tình hình và nhìn thấy sự chuẩn bị chu đáo nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt và quan trọng là hạng chế được tình trạng lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng nên quyết tâm cùng anh em thực hiện phương châm 3 tại chỗ”.
Hiện tại, đã có hơn 1.000 công nhân và nhân viên được sắp xếp vừa sản xuất vừa lưu trú lại công ty. Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng thương mại Đại Dũng, dịch Covid-19 hiện đang rất phức tạp, nếu công ty xuất hiện 1 ca mắc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiến độ đơn hàng nội địa cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, mô hình vừa sản xuất vừa cách ly là biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp.
Để triển khai mô hình vừa cách ly vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đạt nhiều tiêu chuẩn, cụ thể như: có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát…. Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.
Tương tự, công ty cổ phần Sài Gòn Food (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM), đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ” - “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ”.
Theo đại diện công ty, bắt đầu từ ngày 15/7, 200 công nhân lao động trong số 2.000 lao động của công ty đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 và ở lại công ty để sản xuất. Đây sẽ là lực lượng sản xuất chủ yếu trong thời gian công ty vừa sản xuất vừa đáp ứng công tác phòng chống dịch. Còn 200 công nhân trong danh sách đăng ký sẽ vào nhà máy cách ly sản xuất trong vài ngày tới khi sắp xếp xong việc gia đình.
Để đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất vừa chống dịch, công ty chỉ hoạt động 3 trong 5 nhà máy, 2 nhà máy còn lại và khu văn phòng được trang bị đủ vật dụng để làm khu dã chiến cho công nhân ăn, ngủ, sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản – Vissan, hiện, tổng số công nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại đây là 1,5 nghìn người. Công ty tổ chức nấu ăn ngày 3 bữa, và sắp xếp chỗ ở cho công nhân tại một số nhà kho được dọn sạch sẽ, thoáng mát.
Và công ty bố trí chia thành 2 nhóm sản xuất: Một nhóm sản xuất bên trong và một nhóm vận chuyển hay chạy công việc bên ngoài. Hai nhóm này thực hiện nhiệm vụ độc lập, không tiếp xúc với nhau nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Được biết, hiện mỗi ngày sản phẩm tươi sống của Vissan cung ứng ra thị trường đã tăng gấp 2,5 lần so với trước đây; sản phẩm chế biến cũng tăng 20% so với trước, tương ứng số lượng 100 tấn mỗi ngày.
“Tôi cho rằng hướng tốt nhất hiện nay là tổ chức ăn ở tại chỗ. Công ty lo cho công nhân đủ ngày 3 bữa và chỗ ngủ nghỉ, điều này đảm bảo sức khỏe của người lao động (NLĐ) mà không làm đứt gãy việc sản xuất. Tuy nhiên vấn đề xét nghiệm cho công nhân định kỳ 01 tuần/lần tôi cho rằng như vậy sẽ đặt gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp đã và đang phải gánh thêm rất nhiều các chi phí phát sinh. Vì vậy, phương án 3 tại chỗ rất hiệu quả trong việc thực hiện “mục tiêu kép” hiện nay. Ông Trần Hồng Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Hoàng Hà cho biết.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất, từ ngày ngày 10/7, nhiều công ty đã vận động người lao động cùng chung tay đảm bảo duy trì sản xuất và phòng chống dịch. Đặc biệt, các công ty đã bố trí vừa cách ly vừa sản xuất tại một khu nhà riêng biệt .Tất cả công nhân, người lao động được bố trí ở lại công ty đều được lấy mẫu xét nghiệm trước đó và có kết quả âm tính. Ngoài ra, các công ty thường xuyên tuyên truyền và giám sát thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cung cấp cho người lao động các vật tư phòng dịch như (nước sát khuẩn, nước muối súc họng, vitamin nâng cao sức đề kháng…)
Ngày 13.7, UBND TPHCM có văn bản khẩn về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, TPHCM chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khi đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Song song đó, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.