THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:32

Gần 4.000 tỷ đồng sai phạm trong chuyển đổi 'đất vàng' tại Hà Nội

 

Dự án 44 Yên Phụ - một trong những dự án nợ đọng tiền sử dụng đất theo kết luận của Thanh tra Chính phủ

 

Thanh tra 38 dự án phát hiện sai sót gần 4.000 tỷ

TTCP đã thanh tra trực tiếp tại 38 dự án có vị trí đắc địa tại các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm. 36 dự án được TTCP xác định là có sai phạm trong đó tập trung ở các lỗi: Sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (32 lượt dự án); vi phạm quy hoạch xây dựng (20 lượt dự án); nợ tiền sử dụng đất tiền chậm nộp (8 dự án). TTCP xác định: Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh lên tới 3.974 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi sang vị trí khác. Đại đa số các dự án này là chuyển đổi từ đất sản xuất, nhà xưởng, trụ sở sang mục đích đất ở, văn phòng và trung tâm thương mại. Có 58 dự án hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, với tổng số tiền là 12.968 tỷ đồng; 6 dự án đã được xác định nghĩa vụ phải nộp là 1.869,46 tỷ đồng, chủ đầu tư đã nộp một phần vào ngân sách nhà nước với số tiền là 545 tỷ đồng; 5 dự án chưa xác định nghĩa vụ tài chính hoặc đang trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND thành phố Hà Nội đã không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể nên một số doanh nghiệp vốn nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, dẫn tới thu về cho Nhà nước số tiền thấp.

Đơn cử, UBND thành phố Hà Nội đã không có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế kinh doanh chưa sát thị trường. Một số doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, dẫn tới thu về cho Nhà nước số tiền thấp.

Việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước, đặc biệt là khi dự án đất ở những vị trí đắc địa. Các dự án được TTCP chỉ rõ như: số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê; Dự án 69 Vũ Trọng Phụng, Dự án 108 Nguyễn Trãi; Dự án 44 Yên Phụ; Dự án 430 Cầu Am…

Đặc biệt,  có dự án tại lô đất C3 là một phần của dự án Khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính là khu đất sạch có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Nhưng năm 2009 Hà Nội thu hồi lô đất này và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không thông qua đấu giá.

TTCP đề nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất như đã nêu.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, thuê đất, chậm nộp  như : Dự án khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê tại Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội) do Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư nợ số tiền 240 tỷ đồng; Dự án km9 đường Ngọc Hồi do Cty CP Bao bì và hàng xuất khẩu nợ 316 tỷ đồng; Dự án 44 Yên Phụ nợ 47 tỷ đồng…

 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: “Không có việc thất thoát số tiền 3.900 tỉ đồng”

Ngày 8/10, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin phản hồi về kết luận của TTCP về tiền sử dụng đất đối với các dự án được gọi là "đất vàng" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2003 - 2016.

Theo ông Chung, trong quá trình thanh tra, cá nhân ông và lãnh đạo thành phố phối hợp chặt chẽ với đoàn TTCP để giải trình, báo cáo kịp thời các việc liên quan đến kết quả thanh tra.

Theo đó, trong số tiền hơn 3.900 tỉ này có 403,309 tỉ đồng là tiền tạm tính tiền sử dụng đất cho các chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất; 89,945 tỉ đồng là tạm tính số tiền sử dụng đất bổ sung với tầng hầm tầng kỹ thuật do chủ đầu tư sử dụng vào mục đích kinh doanh; 1.462 tỉ đồng là tiền sử dụng đất, thuê đất do các chủ đầu tư của một số dự án còn nợ đọng; 49,317 tỉ đồng là tạm tính thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng, góp vốn nhà đầu tư từ một số dự án chưa thực hiện. Ngoài ra, còn 1.480 tỉ đồng là tạm tính tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung do UBND thành phố khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.

Ông Chung cho biết, UBND Thành phố có thành lập Hội đồng định giá đất do một Phó Chủ tịch thành phố làm trưởng ban trước khi xác định giá đất. Quan điểm của UBND Thành phố Hà Nội là thực hiện đúng theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có văn bản số 4470 ngày 8/4/2014 báo cáo Bộ Tài chính và văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép mục: “Chi phí dự phòng và chi phí lãi vay. Phát triển giá đất tính thu tiền sử dụng đất của dự án theo phương pháp thặng dư”.

Ông Chung khẳng định, UBND Thành phố Hà Nội đã thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ nhưng TTCP không thừa nhận cách tính này. Quá trình thực hiện việc tính tiền, quan điểm của TTCP và các Bộ là khác nhau. “Chúng tôi đang kiến nghị có cuộc họp liên ngành giữa TTCP, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính… trên cơ sở đó xác định rõ số tiền này”. Tôi khẳng định không có việc thất thoát số tiền 3.900 tỉ đồng này”, ông Chung nhấn mạnh.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh