THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:46

Gần 18.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sau sự cố Formosa đi XKLĐ

 

Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng

Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người làm động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung xây dựng công văn hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình bồi thường thiệt hại cho người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh trên. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm cho 4 tỉnh, đồng thời chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tại 4 tỉnh tăng cường tần suất các phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm huyện, cụm xã ven biển, những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, cung cấp các thông tin về chỗ việc làm trống, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kết nối với các Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh bạn để tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm, tham gia các khóa chuyển đổi nghề nghiệp.

Riêng việc hỗ trợ người lao động tại 4 tỉnh này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ-TB&XH đã ưu tiên xét tuyển lao động thuộc 4 tỉnh trong chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc tại một số thị trường năm 2016, 2017 do Bộ LĐ-TB&XH triển khai như Nhật Bản, Hàn Quốc. Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động thuộc 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường để đưa đi làm việc trong các ngành nghề phù hợp, tập trung vào các ngành ngư nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đặc biệt, sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vào tháng 4/2017, phía Hàn Quốc đã thống nhất với Việt Nam tổ chức thi tuyển cho lao động ngành ngư nghiệp tại một số tỉnh miền Trung gặp sự cố môi trường mặc dù có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bố Trạch, Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình).

 

Nhiều cơ hội cho lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tham gia xuất khẩu lao động

 

Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc trong ngành nghề thuyên viên tàu cá gần bờ tích cực, tập trung tuyển chọn lao động tại các tỉnh miền Trung. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang hướng dẫn các địa phương có huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo tổ chức đào tạo tiếng Hàn để thi tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc ngành nông nghiệp. Ước tính có khoảng 600 lao động thuộc đối tượng của Quyết định số 1722/2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong ngành nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho người lao động thuộc các địa phương bị ảnh hưởng đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp 2016 -2017.

Nhiều cơ hội đi XKLĐ cho ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại

Đối với ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển nếu không đi khai thác thì sẽ làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập. Trong đó việc đi XKLĐ là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.

Theo thống kê từ các doanh nghiệp, tính đến 31/5/2017 có gần 18.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 10.255 lao động đi làm việc ở Đài Loan: Hà Tĩnh có 6.135 lao động, Quảng Bình có 3.340 lao động, Quảng Trị có 696 lao động và Thừa Thiên Huế có 84 lao động. Thị trường Nhật Bản có 4.498 lao động: Hà Tĩnh có 2232 lao động, Quảng Bình có 1306 lao động, Quảng Trị có 614 lao động, Thừa Thiên Huế có 346 lao động. Trong đó, 2 chương trình thực hiện trực tiếp tại Bộ LĐ-TB&XH  như Chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản thông qua tổ chức IM Japan tại 4 tỉnh đã có 60 lao động trúng tuyển, 57 lao động nhập học. Đến hết tháng 4/2017, toàn bộ 51 lao động của 4 tỉnh tham gia khóa đào tạo đã xuất cảnh sang thực tập tại Nhật Bản. Đối với chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA) khóa 5 (tổ chức thi tuyển vào tháng 11/2016), các ứng viên có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh trên được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển, tổng số đã có 81 lao động hồ sơ nộp xét tuyển và có 51 lao động trúng tuyển. Các ứng viên này được đào tạo tại Việt Nam trong thời gian 12 tháng từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2017. Sau khi kết thúc khóa học, các ứng viên đáp ứng các điều kiện về tiếng Nhật, sức khỏe và tìm được cơ sở chăm sóc sức khỏe tiếp nhận sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản vào tháng 5/2018.

Riêng đối với thị trường Hàn Quốc đã ưu tiên tuyển chọn lao động các địa phương này đi làm việc tại Hàn Quốc theo các chương trình tàu đánh cá gần bờ, xa bờ và chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (Chương trình ÉP) trong ngành ngư nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp năm 2016 lên 1.800 lao động và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường có tỉ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Năm 2016 đã tuyển chọn được 1.957 lao động của 22 huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có 266 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2017, Bộ làm việc với phía Hàn Quốc để tăng hạn ngạch tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp năm 2017 và không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động trong ngành ngư nghiệp theo Chương trình EPS năm 2017 đối với các huyện ven biển của các địa phương bị sự cố môi trường. Tính đến 31/5/2017, số lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc tại 4 tỉnh là 1.122 lao động.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người làm động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính là cơ hội tốt dành cho những lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động ngành biển.

Trước đó, ngư dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do tác động môi trường từ công ty Formosa. Ước tính sơ bộ có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa gây ra. Trong đó, 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh