THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Gần 14 000 tỉ đồng nợ đọng Bảo hiểm xã hội

 

Tính đến ngày 31/7, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 12,5 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10,5 triệu người, BHXH tự nguyện là trên 192 nghìn người và bảo hiểm y tế (BHYT) là gần 73 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,2% dân số. Trong 7 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014, đồng thời tham mưu, phối hợp trình Chính phủ kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam và chủ động xây dựng, điều chỉnh các quy định, quy chế của ngành BHXH theo quy định của pháp luật. Về vấn đề nợ đọng BHXH, trong 5 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam sẽ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để cung cấp cho tổ chức công đoàn khởi kiện hoặc đề nghị cơ quan chức năng khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Điều đáng nói, nợ BHXH, BHYT ngày một gia tăng và hệ lụy của nó là hàng trăm, hàng nghìn người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng của mình về BHXH, BHYT, BHTN. Mặc dù, phần đông người lao động đã đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ nhưng vấn đề là người sử dụng lao động lại không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà lạm dụng tiền đóng của người lao động để đầu tư cho việc sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, vấn đề lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT cũng đáng báo động. Hiện nay tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi, mức độ khác nhau và ngày càng tinh vi hơn. Một số cơ sở khám, chữa bệnh đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, trong đó có việc lợi dụng thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT và những chính sách khác cũng như việc cơ quan BHXH hiện nay còn thiếu nhân lực, thiếu phương tiện hữu hiệu kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ. BHXH Việt Nam cho biết, việc lạm dụng quỹ từ phía người có thẻ BHYT do được tự do lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện mà không phải đến nơi đăng ký, khám chữa bệnh ban đầu vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Vì vậy đã có tình trạng một số người bệnh đã đến nhiều cơ sở y tế để khám bệnh, lấy thuốc, dẫn đến số lượt khám và chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng cao. Nhiều người bệnh đã đến cơ sở khám, chữa bệnh không phải nơi đăng ký ban đầu để xin giấy chuyển lên tuyến trên, dẫn đến số lượt và chi phí khám, chữa bệnh BHYT của đối tượng đến khám, chữa bệnh đúng tuyến tại các cơ sở tuyến trên tăng cao, trong khi đó số lượt và chi phí khám, chữa bệnh BHYT của đối tượng không đúng tuyến giảm đi. Bên cạnh đó, một số người bệnh đã đến các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện được những dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn như chụp CT  - Scanner, chụp cộng hưởng từ... đề nghị được sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. Thậm chí, có những người không mắc bệnh nhưng khi biết cơ sở khám, chữa bệnh có các hình thức khuyến mại cũng đến khám mang tính chất vừa được kiểm tra sức khỏe, vừa được nhận quà khuyến mại.

Không chỉ người tham gia BHYT, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh cũng có nhiều biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ như chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chuẩn đoán bệnh nhiều thuốc đắt tiền, nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, chuẩn đoàn hình ảnh… Ngoài ra một số cơ sở y tế còn sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý, thống kê thanh toán không đúng quy định, thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế hoặc người thực hiện không đủ điều kiện để thực hiện, lắp đặt máy móc xã hội hóa không đúng với quy định… Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 37 tỉnh có số chi vượt quỹ khám, chữa bệnh được giao, với tổng số tiền vượt quỹ gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng các tỉnh vượt quỹ tăng cao một phần do tác động của gia tăng giá dịch vụ y tế và thông tuyến khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một số tỉnh chưa bao giờ trong tình trạng bội chi nay đã trở thành đơn vị bội chi như Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang.

BHXH Việt Nam cho biết, một số giải pháp quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong thời gian tới là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổng hợp, thống kê báo cáo và phân tích chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Có thể nói, đối với chính sách BHYT, người dân được thuận lợi hơn trong việc lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh, chất lượng được nâng lên là động lực quan trọng để người dân tin tưởng và tham gia BHYT, góp phần đạt được mục tiêu BHYT toàn dân.

HUYỀN MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh