Thừa Thiên Huế: Gần 100 bệnh nhân Bảo trợ xã hội được tái hòa nhập cộng đồng
- Dược liệu
- 02:50 - 13/01/2018
Bệnh nhân tâm thần đang sính sống và điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế được tham gia học nghề và làm việc ngay tại Trung tâm, đây như một biện pháp trị liệu hệu quả.
Chiều 12/1, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị viên chức năm 2018, đồng thời tổng kết tình hình công tác năm 2017. Đây là đơn vị thuộc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế, có chức năng, nhiệm vụ: tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phối hợp điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng về tâm thần kinh; giáo dục, cai nghiện, dạy nghề cho đối tượng cai nghiện ma túy.
Năm 2017, Trung tâm tiếp nhận mới 40 bệnh nhân. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý theo hồ sơ 525 bệnh nhân, gồm cả bệnh nhân tâm thần có nhân thân, bệnh nhân lang thang, bệnh nhân dịch vụ và một số trường hợp khẩn cấp, trong đó hiện có tại Trung tâm là 456 bệnh nhân.
Các bệnh nhân ở Trung tâm ngoài việc được quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, điều trị bệnh còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giúp họ có thêm động lực, niềm vui trong cuộc sống.
Đặc biệt, trong những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho bệnh nhân luôn được Trung tâm chú trọng quan tâm. Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể thuyên giảm bệnh, đồng thời cải thiện bữa ăn của mình.
Các ngành nghề được Trung tâm triển khai dạy cho người bệnh như: may công nghiệp, làm hương, xâu chuỗi hạt... Để tạo việc làm cho bệnh nhân, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế đã kết nối, tranh thủ nguồn kinh phí từ các dự án xã hội, như: dự án nuôi vịt và cải tại đất màu trồng rau sạch do Quỹ Dove fund (Hoa Kỳ) tài trợ; dự án hỗ trợ cho bệnh nhân được nuôi dưỡng tại Trung tâm tái hòa nhập cộng đồng về chăn nuôi heo, gà do Đại sứ quán Úc tài trợ thông qua Quỹ Trái tim Huế,…Trong năm 2017, Trung tâm đã bố trí cho hơn 250 bệnh nhân tham gia lao động sản xuất.
Theo ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế, đơn vị cũng rất chú trọng đến công tác hỗ trợ sinh kế cho bệnh nhân đã được tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2017, thông qua Quỹ Trái tim Huế, Trung tâm đã được kết nối với Đại sứ quán Úc thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho 30 bệnh nhân đã được nuôi dưỡng, điều trị tại trung tâm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án, qua báo cáo đánh giá kết quả đạt được là rất tốt. Các bệnh nhân tham gia dự án có thêm thu nhập phụ giúp gia đình, có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Tính rộng ra, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã quyết định cho gần 100 bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe được tái hòa nhập cộng đồng. Đơn vị cũng đã cử cán bộ trực tiếp theo dõi, nắm tình hình của bệnh nhân đã tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, số bệnh nhân ổn định sau khi tái hòa nhập cộng đồng có khả năng lao động sản xuất phụ giúp gia đình là hơn 40 người.
Nhiều cán bộ, nhân viên của Trung tâm được nhận Bằng khen, Giấy khen của UBND, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế
Đối với học viên cai nghiện ma túy, năm 2017, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế tiếp nhận 5 học viên. Tất cả các học viên vào cai nghiện tại Trung tâm đều được tham gia học nghề và các hoạt động lao động trị liệu. Kết quả, đã có 4 học viên tái hòa nhập cộng đồng và sau khi tái hòa nhập cộng đồng, cả 4 học viên đều có việc làm ổn định, không tái nghiện.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế khẳng định, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh này là một đơn vị tiêu biểu trong cả nước và đã được nhiều đoàn ở Trung ương và các địa phương khác đến tham quan, học tập. Theo ông Dần, thực trạng bệnh tâm thần trên cả nước nói chung, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng ngày càng có diễn biến tăng. Do đó, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo trợ xã hội ngày càng nặng nề hơn.
Ông Dần đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2017 của Trung tâm và mong muốn đơn vị tiếp tục khắc phục khó khăn, đoàn kết để đạt được kết quả tốt hơn nữa trong năm 2018; đồng thời, giúp cho cả bệnh nhân tâm thần, học viên cai nghiện ma túy và thân nhân của họ yên tâm, đặt niềm tin vào công tác ngành, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.