THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:43

Festival Huế 2016: Mới, lạ, hội tụ văn hóa truyền thống

 

“Bữa tiệc” nghệ thuật đa sắc

Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2016 cho biết: Festival 2006 sẽ được tổ chức có quy mô quốc gia và quốc tế, gắn với các sự kiện lịch sử văn hóa của Thừa Thiên- Huế là kỷ niệm 710 năm Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế; 380 năm Đô thị Huế, đồng thời, kết hợp các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và Lễ Hội có tính cộng đồng, mới lạ, hấp dẫn, tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế đã được xây dựng qua các kỳ Festival gần đây.

Festival Huế 2016 tiếp tục tái hiện nhiều sinh hoạt cung đình độc đáo trong không gian huyền ảo của Đêm Hoàng Cung, các chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật dân gian, nghệ thuật Cung đình xứ Huế, lễ nhạc và múa Phật giáo, lễ hội đường phố sôi động với sự tham gia của nghệ sĩ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm gồm các cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật thả diều Huế, thư pháp, các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc - mỹ thuật đường phố, hội thảo khoa học, hội chợ thương mại quốc tế; hoạt động thể dục thể thao, ẩm thực, tour, tuyến du lịch … “Cả thành phố Huế được dựng thành sân khấu cho các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, khám phá di sản, lễ hội. Trung tâm Đại Nội được dựng thành sân khấu - nơi quy tụ các chương trình nghệ thuật lớn. Sân khấu ở Cung An Định và ở sân vận động Tự Do dành cho các chương trình âm nhạc đương đại. Các khu vực quảng trường trong thành phố, Ngọ Môn, các công viên... sẽ trở thành địa điểm biểu diễn các bộ môn nghệ thuật khác”- Ông Chung cho biết.

 

Cũng theo ông Chế Công Chung, Festival 2016 sẽ có hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ 18 quốc gia trên thế giới tham dự như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Ma Rốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Sri Lanka, Australia, Hoa Kỳ, Mexico, Chile, Colombia... Trong đó, có một số đoàn nghệ thuật nổi tiếng tham gia biểu diễn như: Đoàn nghệ thuật đường phố L’Homme Debout, Đoàn múa đương đại Hip hop Par Terre và Ban nhạc Fuzeta (Pháp), Ban nhạc Cancer (Đan Mạch), Đoàn múa dân gian Amurskie Zori (Nga), ca sĩ Anna Calvi (Anh), Đoàn múa Takamine Hisae (Okinawa, Nhật Bản), Đoàn múa dân gian Halleluja (Israel), Đoàn múa thuộc Học viện Mỹ thuật Vinyasa (Sri Lanka), Ban nhạc Della Mae (Hoa Kỳ)… Đặc biệt, 3 “tượng đài” âm nhạc hàng đầu thế giới Yanni, Kitaro và Tiësto sẽ tham gia biểu diễn tại Festival, trong đó, nhạc sĩ Yanni biểu diễn cùng các đoàn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế tại quảng trường Ngọ Môn, Đêm hoàng cung, nhạc sĩ Kitaro tham gia “Huyền thoại phương Đông” và đêm nhạc điện tử của DJ - nghệ sĩ Tiësto (Hà Lan) tại sân vận động Tự Do, Got talent - TV show, nhạc nước trên sông Hương, lễ hội đường phố...  Ngoài ra, hàng chục đoàn nghệ thuật trong nước với những những chương trình đặc sắc như: Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, Vũ đoàn Cleopatra…

Nói không với nạn “chặt chém” du khách

Sau 8 lần tổ chức, Festival Huế được khẳng định “thương hiệu” và là cơ hội để quảng bá về Huế - thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Festival. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2016 khẳng định, không để xảy ra vấn nạn du khách bị chặt chém hay bị ép giá phòng nghỉ trong kỳ Festival. Bằng công tác tuyên truyền, vận động và ký kết hợp tác giữa Ban tổ chức và các nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn tỉnh, du khách có thể yên tâm trải nghiệm một kỳ Festival thật đáng nhớ”.

 

Điểm mới trong Festival 2016 là rút xuống còn 6 ngày, thay vì 9 ngày như các kỳ trước nhằm nâng cao chất lượng của những tour du lịch. Theo đó, BTC cũng sẽ rút xuống còn 2 tour du lịch dành cho du khách trong 6 ngày để tập trung nguồn nhân lực, đảm bảo phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, trong kỳ Festival Huế 2016 sẽ có rất nhiều các chương trình, hoạt động mới mẻ được xây dựng theo hướng xã hội hóa. Đó là chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn “Người đi hành hương”, lần đầu tiên do chính gia đình cố nhạc sĩ đứng ra tổ chức, giới thiệu về người nhạc sĩ tài hoa trên chính quê hương của ông, cũng là nơi ghi dấu của rất nhiều ca khúc nổi tiếng của ông; chương trình “Ngày hội Phật giáo” và “Lễ hội Đèn Quảng Chiếu”- một lễ hội Phật giáo cổ trong đời sống cung đình Huế - lần đầu tiên được tái hiện, với kinh phí lớn.

Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Là sự kiện văn hóa du lịch đặc thù, diễn ra 2 năm một lần với qui mô quốc gia, quốc tế, giao lưu của các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, mang dấu ấn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các tinh hoa di sản văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong đó có văn hóa Huế.

Đăng Khoa/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh