FAO: Giá thực phẩm thế giới tăng vọt lên mức cao nhất 5 năm
- Tây Y
- 19:13 - 12/01/2020
Báo cáo mới công bố từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trung bình đạt 181,7 điểm trong tháng 12/2019, tăng 2,5% so với tháng trước đó và ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp.
Theo FAO, cầu thực vật và đường là những sản phẩm chính đẩy Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO đi lên trong tháng 12/2019, với các mức tăng lần lượt 9,4% và 4,8%.
FAO cho biết giá đường tăng là do những người trồng mía ở Brazil dùng nhiều đường hơn để sản xuất Ethanol làm nhiên liệu.
Giá ngũ cốc, vốn là thành phần chính trong chỉ số trên, tăng nhẹ 1,4%, qua đó lấn át phần nào sự sụt giảm trong tháng 11.2019, nhưng vẫn khép lại năm qua ở mức thấp hơn 0,9% so với thời điểm đầu năm. Giá gạo và ngô gần như không biến động so với tháng 11.2019.
Bên cạnh đó, giá sữa tăng 3,3% so với tháng 11/2019 lên 198,9 điểm. Giá phomai ghi nhận mức tăng lớn nhất, gần 8% sau khi giảm ba tháng liên tiếp, theo đó nhấn mạnh nhu cầu cao từ thị trường thế giới trong bối cảnh nguồn cung sẵn có cho xuất khẩu tại Liên minh châu Âu (EU) và châu Đại Dương bị thắt chặt.
Trong tháng 12, giá thịt heo tăng vì thị trường toàn cầu tiếp tục thắt chặt, với một số nhà cung cấp chính, đặc biệt là EU và Brazil, gặp khó khăn để bắt kịp tăng trưởng nhu cầu trước dịp lễ hội, cùng nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ châu Á. Giá thịt cừu tăng tháng thứ 9 liên tiếp vì nhu cầu mạnh mẽ khi nguồn cung xuất khẩu từ châu Đại Dương bị hạn chế, trong khi giá thịt gia cầm tăng nhẹ vì nguồn cung thắt chặt, đặc biệt là từ Brazil. Ngược lại, giá thịt bò giảm khi hoạt động thu mua từ Trung Quốc hạ nhiệt, nguồn nhu cầu chính của nhiều tháng.
Nhìn chung, chỉ số giá thịt thế giới của FAO trong 2019 tăng 5,7% so với 2018 lên 175,8 điểm. Trong đó, giá thịt heo có mức tăng hàng năm lớn nhất, theo sau là thịt bò và gia cầm, còn giá thịt cừu thấp hơn mức trung bình trong 2018.
Giá lương thực thực phẩm thì đang tăng cao, trong khi đó, FAO từng ước tính hiện trên thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. FAO cũng ước tính rằng mỗi năm có 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí - tương đương 1,3 tỉ tấn.
Con số này trị giá gần 750 tỉ USD mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, chúng ta sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỉ người.