THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:07

FAO kêu gọi hành động để giảm lượng lương thực lãng phí mỗi năm

FAO kêu gọi hành động để giảm lượng lương thực lãng phí mỗi năm - Ảnh 1.

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng ở thị trấn Kaesong, Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nông dân trên toàn thế giới bị thất thoát tới 20% sản lượng lương thực họ sản xuất ra mỗi năm, song thực trạng này có thể hạn chế phần nào nhờ những hành động đúng đắn.

Theo số liệu công bố ngày 14/10 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), một loạt nguyên nhân, từ cách thức thu hoạch, chế biến, đến việc thiếu cơ sở hạ tầng, giá cả thị trường, sâu bệnh và điều kiện khí hậu... đã góp phần gây ra thiệt hại cho người nông dân.

Trong báo cáo trình bày trước thềm Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Tổng Giám đốc FAO, ông Khuất Đông Ngọc, cho biết điều này có nghĩa các nguồn tài nguyên đất và nước đang bị lãng phí trong khi ô nhiễm và khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GHGs) vẫn thải ra mà không đổi lại kết quả gì.

FAO cho rằng một số liệu được trích dẫn trước đó ước tính khoảng 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu (tương đương 1,3 tỷ tấn) bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm, song đây chỉ là thống kê tương đối bao gồm cả những thất thoát từ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo FAO, số liệu mới nhất cho thấy trung bình khoảng 14% sản lượng lương thực bị thất thoát trên toàn cầu, chủ yếu từ khâu thu hoạch đến khi ra thị trường, kể cả sự không đồng đều giữa các vùng miền hay các mặt hàng trên thế giới.

Trung và Nam Á là những khu vực có sản lượng lương thực bị thất thoát cao nhất với 20%, tiếp theo là Bắc Mỹ và châu Âu với hơn 15%. Australia và New Zealand có mức thất thoát thấp nhất với khoảng 6%.

Trợ lý Tổng Giám đốc FAO Maximo Torero Cullen nói: "Thống kê mức thất thoát là rất quan trọng vì hiện nay chúng tôi có thể tính toán được tác động của những chính sách khác nhau để giảm những thất thoát và có thể theo dõi theo chu kỳ để xem liệu chúng tôi có cải thiện được tình hình hay không."

Theo ông Cullen, với những chính sách đúng đắn, thế giới có thể giảm được đáng kể lượng lương thực bị thất thoát, nhưng điều này có thể tiêu tốn về mặt tài chính, mặt khác lại phụ thuộc vào các nhà lập pháp.

Ông Cullen cho rằng việc giảm thất thoát từ những giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng lương thực là phương pháp hiệu quả nhất nhằm giải quyết tình trạng an ninh lương thực hoặc căng thẳng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, việc người tiêu dùng và các nhà bán lẻ giảm lãng phí lương thực vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


THEO PHƯƠNG HOA (TTXVN/Vietnam+)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh