Facebook đối mặt với vụ kiện chống độc quyền lớn nhất, có thể bị buộc phải bán Instagram và WhatsApp
- Công nghệ
- 17:15 - 11/12/2020
Vào hôm thứ 4 vừa qua, Tổng chưởng lý New York Letitia James đã công bố vụ kiện chống độc quyền lớn nhất nhằm vào Facebook. Vụ kiện cáo buộc Facebook đã làm ảnh hưởng tới sự cạnh tranh thị trường, bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn như Instagram hay WhatsApp, để loại bỏ mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này. Có tới 47 Tổng chưởng lý của các tiểu bang và khu vực khác cùng tham gia vụ kiện này.
Vụ kiện tập trung vào các thương vụ thâu tóm của Facebook, đặc biệt là thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012. Ngoài cáo buộc này, Tổng chưởng lý Letitia James còn cáo buộc Facebook sử dụng sức mạnh và phạm vi phủ sóng của mình để ngăn chặn người dùng tiếp cận với các dịch vụ cạnh tranh.
Tổng chưởng lý Letitia James cho biết: “Trong gần một thập kỷ qua, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh. Facebook đã sử dụng những khoản tiền lớn để mua lại các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, trước khi họ đủ lớn mạnh để đe dọa sự thống trị của công ty này”.
Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ FTC cũng khởi kiện Facebook với lý do tương tự, được công bố cùng lúc với vụ kiện của các bang. Tuy nhiên, FTC có yêu cầu đặc biệt hơn, đó là hủy bỏ thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp, chuyển hai công ty này thành độc lập.
Giám đốc cục cạnh tranh của FTC, ông Ian Conner cho biết: “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Facebook, và khôi phục sự cạnh tranh để sự đổi mới và cạnh tranh tự do có thể phát triển mạnh”.
Facebook cũng đã có phản hồi, cho biết rằng cả hai thương vụ thâu tóm đều đã được các cơ quan quản lý làm rõ và việc lật ngược chúng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Trong khi đó, FTC đưa ra bằng chứng là email mà CEO Mark Zuckerberg gửi cho David Ebersman, người khi đó là giám đốc tài chính của Facebook. Trong email, Mark Zuckerberg thể hiện rõ ý định mua lại Instagram như một cách để vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh và đồng thời giúp cải tiến Facebook, bằng cách kết hợp tính năng mà đối thủ đã phát minh ra trước khi bất kỳ công ty nào khác có đủ thời gian để bắt kịp và đe dọa Facebook.
Đáng chú ý, các nhà sáng lập của cả Instagram và WhatsApp đều đã rời Facebook. Trong đó, đồng sáng lập Brian Acton của WhatsApp tỏ rõ sự không đồng ý đối với định hướng phát triển của Facebook và những gì công ty đã làm đối với quyền riêng tư của người dùng.
Vụ kiện chống độc quyền Facebook lần này là vụ kiện lớn thứ 2 mà Chính phủ Mỹ nhằm vào nhóm Big Tech, sau vụ kiện Bộ Tư pháp chống lại Google hồi tháng 10. Đây cũng là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất mà Facebook phải đối mặt, nếu thất bại thì nhiều khả năng Facebook sẽ phải bán hoặc tách rời hoạt động của hai công ty Instagram và WhatsApp.
Theo: Theverge