THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:10

EVFTA mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Đánh giá tác động của EVFTA đến lao động, việc làm Việt Nam đến năm 2025, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực trạng lao động việc làm của Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2012-2019 và bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh Covid 19. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều việc làm trong ngành cũng cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ra.

Theo dự báo, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022 – 2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn/năm, tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA. “Do ảnh hưởng lan tỏa, nên sẽ nhiều việc làm trong các ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ta, song tác động EVFTA đến khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt nhiều. Một số ngành có tác động mạnh từ Hiệp định EVFTA như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…”, ông Toàn thông tin.

Đối với nhóm ngành có khối lượng xuất, nhập khẩu sang các nước EVFTA cho thấy, các yếu tố về chỉ số định hướng xuất khẩu không thật sự có tác động đến tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong từng ngành ở thời điểm sau khi có hiệp định (quý 3/2020) tăng lên so với trước khi hiệp định có hiệu lực.

EVFTA cũng có những tác động tích cực đến vấn đề tiền lương, cụ thể giá trị thương mại giữa Việt Nam và các nước có tác động tích cực đến tiền lương bình quân, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tăng, tiền lương bình quân của người lao động cũng tăng.

Thuế suất xuất khẩu giảm đã có tác động tích cực làm tăng tiền lương bình quân của lao động. So với các khu vực khác, tiền lượng bình quân của người lao động làm việc trong khu vực xuất nhập khẩu từ các nước thuộc EVFTA cao hơn so với các khu vực còn lại khoảng 17% đến 28%. Sau thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực, tiền lương bình quân của người lao động cũng cao hơn khoảng 11% so với thời điểm trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hưởng lợi hơn về mức lương thuộc nhóm lao động nữ, lao động khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

 

Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên việc thực thi hiệp định thương mại trong bối cảnh dịch Covid 19 kéo dài sẽ  làm giảm hiệu quả tác động của EVFTA đến lao động việc làm và đặt ra nhiều thách thực đối với lao động việc làm như: Thay đổi về hình thức làm việc; thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương; sự mất cân đối cung cầu về cơ cấu lao động…

“Mặt khác, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong khi trên thị trường lao động vẫn dư thừa lao động nhưng là lao động chưa qua đào tạo”, ông Toàn phân tích.

Theo ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, các lĩnh vực liên quan đến vận chuyển, nhóm ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu sang EU, nhất là những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động đã tạo nhiều công ăn việc làm như: Dệt may, da giày, logistics. Đồng thời, việc tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của các ngành nghề này đã gián tiếp cải thiện thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, nếu những ngành nghề thâm dụng lao động phát triển thì lao động nữ sẽ có lợi thế hơn trong việc có việc làm ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, từ yêu cầu cao của thị trường cũng như các quy định trong cam kết với đối tác EVFTA, người lao động trong các lĩnh vực sản xuất có cơ hội nâng cao trình độ của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Thực thi EVFTA cũng là cơ hội cho những người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao và những người lao động được đào tạo có thêm cơ hội việc làm đúng khả năng, trình độ và thu nhập cũng sẽ tương xứng hơn.

Để thực hiện các cam kết về lao động, cũng như các yêu cầu trong EVFTA , theo ông Lê Quang Trung, cần có sự bổ sung quy định kịp thời với các hình thức việc làm mới nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như có những chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động) và người lao động đào tạo nâng cao trình độ, giữ chân người lao động, chia sẻ với người lao động khi gặp khó khăn.

“Đối với người lao động cũng cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để nâng cao trình độ, bởi hơn ai hết nâng cao trình độ là cơ hội để người lao động cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp về tay nghề, kỹ năng trong tình hình mới”- ông Lê Quang Trung khuyến nghị.

Sẽ có thêm nhiều việc làm mới được tạo ra nhờ EVFTA

Sẽ có thêm nhiều việc làm mới được tạo ra nhờ EVFTA

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh