THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

EVFTA – Động lực giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật về giảm nghèo bền vững

EVFTA sẽ giúp thêm 0,1 – 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030

Hôm nay ngày 2/8, là ngày thứ hai, EVFTA có hiệu lực. EVFTA chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi, mở cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Khi nói đến Hiệp định EVFTA, là nói đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt một thập kỷ từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành nghiên cứu khả thi việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 10 năm 2010. EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng.

Thực hiện chủ trương của Đảng về “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt một tầm cao mới. 

Bắt đầu từ công cuộc phá thế bao vây cấm vận, xây dựng các mối quan hệ quốc tế mới, tạo tiền đề cho đổi mới kinh tế và vượt qua khủng hoảng, đến việc chính thức tham gia các định chế kinh tế - thương mại khu vực toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện nay, Việt Nam đã tiến tới giai đoạn ba của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết hết sức sâu rộng, có tác động đến nhiều mặt của cuộc sống đất nước.

Tiếp theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đang chuẩn bị thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). 

Là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ cam kết mở cửa sâu và với diện các vấn đề được điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực cả thương mại và phi thương mại, cả truyền thống và hiện đại, EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành động lực giúp Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng và giảm nghèo

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thêm 0,1 – 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương mức giảm 0,7% so với kịch bản không có EVFTA. 

Cùng với đó, khoảng cách tiền lương theo giới tính cũng được thu hẹp thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

EVFTA – Động lực giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật về giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Lễ ký kết Hiệp định EVFTA lịch sử tại Hà Nội chiều ngày 30/6/2019

Tăng thêm 146.000 việc làm/năm

EVFTA góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo như thế nào?

Thứ nhất, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thêm nhiều việc làm, giúp giải quyết vấn đề lao động dôi dư, lao động thất nghiệp, từ đó tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Thực vậy, được đánh giá là xung lực cho nền kinh tế Việt Nam, EVFTA được đưa vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cổng bước vào thị trường 18 nghìn tỷ USD với 508 triệu dân đang mở rộng hơn bao giờ hết với hàng hóa của Việt Nam. 

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 – 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tê toàn cầu, nhờ EVFTA, Việt Nam là một số ít các quốc gia có thể có tốc độ tăng trưởng dương trong tất cả các kịch bản (Ngân hàng thế giới). 

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% trong 05 năm đầu thực thi Hiệp định. Tăng trưởng xuất khẩu đặc biệt lớn ở các ngành mà ta có thế mạnh như nhóm hàng nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…). 

Cánh cửa vào thị trường khắt khe nhất thế giới cho ngành nông sản Việt Nam cũng ngày càng rộng mở với việc EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Như vậy, ngành sản xuất trong nước càng sôi động thì số lượng việc làm sẽ tăng thêm càng nhiều.

Một điểm đáng chú ý ở Hiệp định EVFTA là các cam kết sâu và rộng trong lĩnh vực đầu tư, giúp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước. 

Theo đánh giá, Hiệp định sẽ giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm.

Nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo sẽ tăng lên

Thứ hai, trong trung và dài hạn, EVFTA góp phần làm tăng ngân sách nhà nước nhờ nguồn thu nội địa tăng lên từ tác động của tăng trưởng (dự kiến tăng 7.000 tỷ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định), lấn át mức giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thu thuế nhập khẩu và xuất khẩu (dự kiến giảm thu 2.537,3 tỷ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định). 

Do đó, nguồn lực dành cho các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo sẽ tăng lên, tác động trực tiếp đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, cùng với các tác động gián tiếp từ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp người nghèo tiếp cận được với đường xá, giao thông, và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nguồn nước sạch tốt hơn.

Thứ ba, không chỉ tăng số lượng việc làm, Hiệp định còn được dự báo sẽ giúp tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. 

Qua đó giúp cải thiện thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Mặt khác, nghiên cứu cho thấy bất bình đẳng thu nhập và phân hóa giàu nghèo tỷ lệ nghịch với thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước và tỷ lệ xuất khẩu trên GDP. Qua các phân tích ở trên, có thể thấy, Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của nước ta.

Khác với những FTA khác, khi tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về kinh tế đi kèm với các cam kết về bình đẳng giới, cam kết về môi trường và các cam kết về phát triển xã hội khác sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hướng tới xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững hơn.

Có thể nói, toàn cầu hóa mang lại cho các nước trên thế giới nhiều lợi ích khi tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển, khi mở ra các cơ hội đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, có thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề nghèo đói và đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. 

Cùng với công cuộc Đổi mới, hội nhập toàn cầu là một trong những động lực chính tạo nên những thành tựu nổi bật về tăng trưởng và giảm nghèo của nước ta trong ba thập kỷ qua. 

Tuy nhiên, để xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, giảm thiểu tình trạng tái nghèo, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo, ngoài nguồn lực trong nước, ta cần biết tận dụng các xung lực từ bên ngoài, tận dụng những cơ hội có được để thâm nhập nền kinh tế toàn cầu, từ đó làm vững mạnh nền kinh tế trong nước theo hướng bền vững. 

Đây sẽ là những bước đệm vững chắc để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững mà Chính phủ đã đề ra.

Việt Nam: Tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo

Thành tích giảm nghèo của Việt Nam là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, tại "Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp 2019", còn nhớ, người đứng đầu Chính phủ vui mừng thông tin, con số ấn tượng đó, khiến nhà lãnh đạo Myanma trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhận xét đây là thành quả "đáng kinh ngạc".

Và mới đây, tại sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 của ngành LĐ-TB&XH, tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng toàn ngành vẫn phấn đấu hết năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn dưới 3%.

"Nếu đạt được, chúng ta về đích trước thời gian khoảng 1 năm. Rõ ràng giảm nghèo là một điểm sáng của Việt Nam, hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ rất rõ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ tại Hội nghị.

Có thể nói, "Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo", ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã không tiếc lời khen ngợi như vậy về "kỳ tích" trong công tác giảm nghèo của Việt Nam.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh