CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

EVFTA: Cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam

Góp phần cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho người lao động

Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đã hài hòa hơn, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để tạo điểu kiện thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại thế hệ mới, tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Việt Nam hiện đã phê chuẩn 6 trong tổng số 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế. Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể là công ước mới nhất được phê chuẩn, được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào tháng 6/2019. Dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục công việc chuẩn bị để tiến tới phê chuẩn Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các công việc cần thiết để tiến tới việc trình phê chuẩn các Công ước này theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EVFTA không đặt ra tiêu chuẩn lao động mà đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại, liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Trong đó, có đề cập tới tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả quyền tự do liên kết, thương lượng, xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử với lao động tại nơi làm việc.

Cam kết về lao động được quy định tại Điều 3, Chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp hội EVFTA, đưa ra các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về vấn đề lao động liên quan đến thương mại. Theo đó, Việt Nam và EU cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với việc giúp tạo công ăn việc làm bền vững cho tất cả mọi người, đồng thời phê duyệt thực hiện các nghĩa vụ, quy định của các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO).

Các nguyên tắc và quyền lao động cơ bản được đề cập đến trong Tuyên bố của ILO năm 1998 bao gồm: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; bãi bỏ hiệu quả lao động trẻ em; và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Như vậy, các cam kết này sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tái sản xuất sức lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Người lao động sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống cũng như về cơ hội tham gia hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người động

EVFTA: Cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam - Ảnh 2.

EVFTA đòi hỏi người lao động phải tự nâng cao tay nghề

Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thủy tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su…

Theo dự báo của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lực lượng lao động trong một số ngành sẽ tăng, ví dụ như trong ngành khai khoáng tăng khoảng 3,41%/ năm; dệt tăng 1,53%/ năm; may mặc tăng nhẹ khoảng 0,38%/ năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hằng năm cao hơn hiện nay như vận tải đường thủy (3,7%), sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc thiết bị (2,49%)…

Còn theo nghiên cứu của Tập đoàn Manpower Group, EVFTA sẽ giúp Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 – 19.000 việc làm mỗi năm vào giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, việc làm sẽ tạo ra lớn nhất cho các lĩnh vực nội thất, dệt may, giày dép… khi thuế suất xuất khẩu giảm đến 99% bên cạnh cơ hội tăng cường xuất khẩu hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác.

Không chỉ việc làm tăng lên mà dự kiến thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tăng cao nhất là nhóm lao động có tay nghề thấp. Mức lương bình quân của lao động Việt Nam sự kiến tăng thêm 3% nhờ tác động từ Hiệp định này.

Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh và nâng cao tay nghề. EU đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất khắt khe. Áp lực này sẽ được doanh nghiệp chuyển sang cho người động, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoặc buộc người lao động phải tự mình cọ sát, nâng cao tay nghề.

Các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, ILO hoan nghênh Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Khi có hiệu lực, hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho cả EU và Việt Nam.

Giám đốc ILO tại Việt Nam, Chang-Hee Lee cho biết, thời gian qua, trên thế giới có ngày càng nhiều quan ngại có căn cứ rằng tự do thương mại có thể làm trầm trọng thực trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia và bản thân trong một quốc gia, có thể có hại cho môi trường. Các FTA thế hệ mới cố gắng giải quyết thách thức về phát triển bền vững này bằng cách đưa vào các yêu cầu về lao động và môi trường.

Theo ông Chang-Hee Lee, các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững bằng cách tránh "cuộc đua xuống đáy" và đảm bảo rằng tăng trưởng hiện tại sẽ không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai."

Việc gia nhập EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội tạo điều kiện cho Việt Nam hiện đại hóa hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động. Việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11/2019 đã đưa khung pháp lý của đất nước tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết cho quan hệ lao động và quan hệ việc làm hiện đại của Việt Nam.

"Quan hệ lao động hiện đại dựa trên sự công nhận tự do hiệp hội, cùng với một lực lượng lao động lành nghề hơn và hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, là động lực xã hội quan trọng để Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao một cách bền vững", Giám đốc ILO nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh