Em cứ ước mơ đi!
- Dược liệu
- 23:10 - 28/12/2015
Tuổi thơ nhiều mặc cảm
Mè Thị Bằng và Mè Thị Bình - hai chị em gái dân tộc Thái ở bản Tèn, xã Phù Nham (Văn Chấn), đứa 12, đứa mới 9 tuổi - vẫn còn là cái tuổi lẽ ra phải lắm hồn nhiên, vô tư nhưng số phận đã khiến các em sớm phải sống trong cơ cực. Mẹ bỏ các em ra đi khi em Bình chưa tròn tuổi, chị Bằng mới là đứa lên ba và cả hai đều mang trong mình căn bệnh thế kỉ lây truyền từ mẹ. Nhắc đến người vợ sớm bỏ lại mấy cha con vì căn bệnh xã hội, anh Mè Văn Chạ - cha của Bằng và Bình như vẫn còn nhiều điều chưa giải tỏa, có lẽ cũng vì cuộc sống đắng cay quá: "Vợ chồng gặp nhau rồi xây dựng gia đình, cũng chẳng ngờ cuộc sống thành ra thế này. Bản thân mẹ hai đứa cũng không hề biết mình đã mắc bệnh từ trước khi lấy chồng, cho mãi đến lúc đã sinh ba đứa con, rồi bị bệnh nặng, mới hay bị HIV. Một đứa thì đã mất rồi. Cũng nào biết cả mấy đứa con đều bị bệnh. Thấy chúng một đợt cứ ốm đau liền, lại lên ghẻ, cho đi xét nghiệm thì người ta bảo chúng mắc bệnh từ mẹ. Đã nghèo khó lại còn bệnh tật" - anh Chạ thở dài. Sau ngày vợ mất, anh Chạ ngậm ngùi dắt díu hai đứa con thơ dại từ Phù Yên (Sơn La) về quê nội ở bản Tèn, dựng tạm căn nhà nhỏ làm nơi chui ra chui vào cho ba bố con.
Căn nhà đã là tạm bợ từ lúc mới bắt đầu được dựng lên và giờ thì chẳng đủ che mưa chắn gió theo đúng nghĩa một mái nhà. Những phên tre mục gẫy, những vách đất bung tróc tự tháng năm nào để trơ ra những khoảng trống hơ trống hoác. Hai cây gỗ chống hai đầu chái nhà không biết có thể chống lại được nguy cơ sập đổ được bao lâu nữa. Thế mà hỏi hai đứa trẻ mùa đông có lạnh không thì chúng lắc đầu. Chỗ ngủ của ba cha con không thể gọi là giường, bởi chỉ là mấy phên tre đã cũ lắm rồi trải trên mấy cây nhỏ gỗ ghép lại. Thứ có giá trị nhất trong căn nhà là chiếc quạt điện đã cũ, ba chiếc nồi nấu nướng và một chiếc đồng hồ đã hỏng lâu rồi mà ba bố con không nỡ bỏ đi. Không giếng, không đường dẫn nước, ba bố con lấy nước ở nguồn nước cách nhà khá xa nhưng không có lấy một chiếc thùng hay xô đựng nước nào lớn cả. Cũng không có được một chiếc chậu rửa mặt lành lặn, còn những chiếc bàn chải đánh răng khô cóng tự bao giờ. Con bé Bình thật thà bảo: "Lâu lắm nhà không có kem đánh răng đâu ạ". Cái sự thật thà và cả cái gật đầu nọ đều khiến người nghe thắt lòng, vì hiểu rằng không phải hai chị em ấy không biết lạnh, không muốn được vệ sinh cá nhân sạch sẽ mà là chúng quá quen với những thiếu thốn, cơ cực này suốt những năm tháng qua.
Không thiếu thốn sao được khi gia đình vốn đã nghèo khó nay ba các em gà trống nuôi con. May mắn, sau rất nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả anh Chạ không nhiễm HIV nên vẫn còn sức khỏe để đi làm thuê nhưng công việc rất thất thường, hôm nào có việc thì công cũng chẳng đáng là bao. “Cũng muốn đi làm ăn xa để kiếm tiền nhưng làm sao bỏ hai đứa trẻ ở nhà được” - anh Chạ rầu rĩ. Có lẽ cũng vì khó khăn, chán nản và mặc cảm nên nhiều lúc người bố ấy tìm đến rượu, để rồi có lúc không làm chủ được mình mà trút đòn roi lên con gái. Có hôm, Bằng đi học với vết bầm tím trên mặt, với cả sự mặc cảm và tủi hờn. Đã có những lúc em định bỏ học…
Và những bàn tay sẻ chia
Lê Hoàng Anh - cán bộ phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, thương binh và Xã hội Yên Bái) không thể quên hình ảnh tội nghiệp của em Bằng trong lần đầu gặp em: "Em mặc chiếc quần cộc đến mắt cá chân, chiếc áo mỏng manh sờn rách, trong một chiều se lạnh; đôi mắt e ngại, có gì như sợ sệt; trên mặt có những vết thâm tím. Chúng tôi vội đi mua cho em một chiếc áo mới. Em nhận và chắc rất vui nhưng vẫn có gì đó, e dè, nhút nhát". Ánh mắt tội nghiệp ấy càng thôi thúc Hoàng Anh làm điều gì đó có ý nghĩa. Nhanh chóng, chị cùng cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn, thầy cô giáo nơi hai em đang học tập đánh giá nhu cầu và những bất cập các em đang gặp phải để lập hồ sơ trợ giúp. Các chính sách xã hội tại địa phương như miễn giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo, cấp phát thuốc ARV miễn phí và thường xuyên… tiếp tục được thực hiện đầy đủ, đều đặn cho hai em. Để có thể trợ giúp các em về vật chất, vơi bớt thiếu thốn hàng ngày, Hoàng Anh đã cùng đồng nghiệp huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái thông qua mạng xã hội và may mắn đã tìm được nhà bảo trợ dài hạn cho hai chị em. Bước đầu, các em được hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu và đồ dùng học tập. Để trợ giúp các em về mặt tâm lý, Lê Hoàng Anh cùng nhóm hỗ trợ còn chỉ ra những cách thức để cha của hai em có thể duy trì cuộc sống một cách tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại cho bản thân và hai con. Nhóm cũng gặp gỡ, nói chuyện, hỗ trợ tâm lý trực tiếp cho hai em để xóa bỏ mặc cảm, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống. "Trong vòng 4 tháng qua, ngoài việc trao đổi thông tin với thầy cô giáo, chúng tôi đã đến thăm và hỗ trợ trực tiếp cho các em nhiều lần. Mỗi lần đến là một lần được nhìn thấy sự thay đổi của hai em nhỏ, từ cử chỉ và biểu hiện cảm xúc. Từ một cô bé mặc cảm vì bệnh tật, vì gia đình nghèo khó, có bữa còn thiếu ăn, đi học thất thường, ốm yếu trong dịp trước chúng tôi gặp… giờ em Bằng đang có sức khỏe ổn định, chịu khó học hành, không còn những bữa đói ăn, không còn bị bố đánh và luôn nở nụ cười khi chúng tôi đến thăm. Còn bé Bình thì hồn nhiên hơn rất nhiều" - Lê Hoàng Anh chia sẻ.
Chiều nay, ba được người ta gọi đi làm, Bằng vừa đi học về, tíu tít kể chuyện ở lớp cho em nghe. Rồi hai chị em bảo nhau đi nấu cơm. Loáng cái con bé Bình đã nhóm xong bếp, bắc nồi cơm lên chờ chị vo gạo. Em bảo chiều nay em được ăn cơm với thịt, là thịt các cô hay đến thăm gửi cho. "Thế em đi hái rau ở vườn đi chứ" - tôi bảo. "Không, hôm nay có thịt thì để dành rau hôm khác ăn ạ. Có thịt là ngon lắm rồi ạ" - bé Bình hồn nhiên trả lời. Nói rồi con bé chạy ù ra sân, bá vai bá cổ mấy đứa trẻ hàng xóm, chạy nhảy cùng lũ bạn, tiếng cười tan trong chiều đông muộn.
"Lớn lên em muốn làm bác sĩ" - hai chị em ấy cùng chung một mơ ước, ước mơ ấy có thể còn xa nhưng quan trọng hơn, ngày hôm nay lần đầu tiên các em đã có thể nghĩ về điều đó và nói về nó với mọi người. Các em cứ ước mơ đi, vì em có quyền, và vì còn có những bàn tay đưa ra nắm lấy tay em, sẻ chia với em trên bước đường cuộc sống, cùng em nuôi dưỡng ước mơ từ mái nhà nghèo khó.