Economist: Đức và Italy đứng trước bờ vực suy thoái khi đối mặt với virus corona
- Huyệt vị
- 18:13 - 11/03/2020
Thời tiết không thuận lợi, chiến tranh thương mại, tiêu chuẩn khí thải ô tô thay đổi và sông Rhine chứng kiến mực nước thấp - dù thường có lượng nước rất dồi dào. Đây là những sự kiện đã diễn ra kể từ năm 2017. Do đó, có thể thấy nền kinh tế châu Âu đã hứng chịu một loạt "cú sốc". Đây là những yếu tố không một ai trong số các bộ trưởng tài chính hoặc ngân hàng trung ương có thể kiểm soát.
Năm ngoái, GDP của khu vực đồng euro chỉ đạt mức tăng trưởng 1,2%. Đức và Italy – nơi các nhà sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thương chiến Mỹ - Trung, đã rớt xuống cuối bảng xếp hạng tốc độ tăng trưởng của khu vực này.
Giờ đây, dịch Covid-19 đang lây lan khắp châu Âu. Tính đến ngày 9/3, Italy đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm bệnh, với 463 người tử vong. Pháp và Đức mỗi nước cũng có đến hơn 1.000 trường hợp. Theo đó, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào các quan chức y tế. Không chỉ vậy, virus corona cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, tạo áp lực cho cả những nhà hoạch định chính sách.
Những vấn đề kinh tế đã hiện hữu ngay từ trước khi Covid-19 lây lan đến châu Âu. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu ô tô và hàng hoá sản xuất khác từ châu Âu, chiếm 7% xuất khẩu của Đức. Hiện tại, số liệu xuất nhập khẩu của tháng 2 vẫn chưa được công bố, nhưng có thể doanh thu sẽ sụt giảm khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc.
Sự gián đoạn cũng đang diễn ra đối với chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, nhiều công ty trong số đó phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu các bộ phận từ Trung Quốc. Do đó, những quốc gia như Đức đều chịu sự ảnh hưởng tiêu cực. Theo một cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng khu vực đồng euro công bố hôm 2/3, thời gian giao hàng đối với các bộ phận sản xuất đã kéo dài đáng kể trong tháng 2. Những người tham gia khảo sát đều chia sẻ rằng sự chậm trễ này là do tình trạng lây lan của virus corona.
Italy cũng đang hứng chịu toàn bộ những yếu tố gây khó khăn cho nền kinh tế kể trên, cùng với đó là tình trạng dịch bệnh bùng phát ở miền bắc. Trong đó, khu vực sản xuất nhiều nhất, chiếm 1/3 sản lượng cả nước, là Lombardy và Veneto lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngày 10/3, chính phủ Italy chính thức ra lệnh phong toả toàn quốc, yêu cầu 60 triệu dân hạn chế đi lại. Động thái này cũng có thể khiến hoạt động kinh tế sụt giảm thêm nữa.
Nhìn chung, Đức và Italy lại bị ám ảnh bởi một năm tồi tệ khác.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự đoán rằng 2 quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm nay, toàn bộ nền kinh tế khu vực đồng euro dự kiến cũng chứng kiến tình trạng giảm tốc xuống chỉ còn 1,1% trong năm 2020. Nhiều chuyên gia dự đoán sự hồi phục sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2020, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào mức độ lây lan của Covid-19 và các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.
Chẳng hạn, chính quyền Pháp đã ban hành lệnh cấm tổ chức sự kiện trong nhà quy mô lớn. Một số địa điểm du lịch nổi tiếng cũng đóng cửa. Những động thái như vậy sẽ hạn chế quá trình lây lan của virus corona. Tuy nhiên, đó cũng là yếu tố gây gián đoạn cho hoạt động kinh tế, kéo tụt đà tăng trưởng. Theo OECD, ngành du lịch chiếm 7% GDP của Pháp, khoảng 12% GDP của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Hiện tại, kỳ vọng về việc các nhà hoạch định chính sách sẽ hỗ trợ các công ty đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nhiều nhất đang tăng lên. Hôm 2/3, giám đốc NHTW châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó với những tác động của virus corona đối với nền kinh tế khu vực. Nhà đầu tư cũng dự kiến ECB sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới, sau động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm 3/3.
Tuy nhiên, mức lãi suất hiện tại của ECB đã ở mức -0,5%, họ cũng không còn "room" để hạ xuống thấp hơn nữa. Thay vào đó, một số kinh tế gia dự đoán rằng NHTW châu Âu sẽ điều chỉnh chương trình cho vay ưu đãi đối với các ngân hàng vào cuộc họp ngày 12/3, có thể nhằm mục đích khuyến khích các nhà cho vay tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19.
Điều này còn có thể thay đổi nhanh chóng nếu virus corona lây lan rộng hơn nữa. Các phân tích của Deutsche Bank dự đoán tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro có thể sụt giảm ở mức 4% hàng năm vào quý II, nếu diễn biến của dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, và thậm chí con số trên ở Đức có thể còn cao hơn. Số lượng người thất nghiệp và các trường hợp phá sản có thể khiến các chính phủ đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa.
Tham khảo Economist