CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:07

Tuổi xế chiều có nên "cưa sừng làm nghé" ?

 

Tôi năm nay 60 tuổi. Nhiều người ở tuổi này đã già yếu, thậm chí có người còn phải chống gậy rồi. Nhưng tôi được trời phú cho sức khoẻ nên vẫn còn hoạt bát, nhanh nhẹn và vẫn đi được xe máy. Tôi lấy chồng năm 19 tuổi. Đến năm tôi 30 tuổi thì chồng tôi bị cảm và mất đột ngột, mình tôi nuôi 4 đứa con: 3 trai, 1 gái. 

Đứa lớn nhất khi đó mới 10 tuổi, đứa út 1 tuổi. Kinh tế gia đình khó khăn, chẳng có gì ngoài 3 gian nhà đất lợp rạ. Nhìn đàn con nheo nhóc, tôi phải gạt nước mắt thương chồng để vững vàng và đứng lên cáng đáng hết mọi việc. 

Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi cũng chán nản và tủi thân lắm, cũng muốn buông xuôi tất cả để kết thúc cuộc đời bất hạnh của mình. Nhưng rồi tôi lại không nỡ vì thấy làm như vậy thật có lỗi với các con. Thế là tôi lại củng cố tinh thần và nỗ lực hết sức để chăm sóc, nuôi dạy các con. Sau khi chồng tôi mất vài năm, cũng có vài người đàn ông ngỏ ý muốn đến với tôi, cùng tôi xây dựng gia đình. Nhưng nghĩ cảnh con anh, con tôi, con chúng ta, nếu tôi đi bước nữa thì các con sẽ khổ lắm, thế nên tôi đều từ chối tất cả, chấp nhận ở vậy để thờ chồng và nuôi con. 

Tôi chăn nuôi lợn, gà. Mỗi lần xuất chuồng, tôi chỉ để lại ít tiền để mua giống và thức ăn chăn nuôi, còn lại tôi mua gạch tích góp, mỗi lần 1 ít. Đến bây giờ tôi đã thay 3 gian nhà đất trước đây bằng 5 gian nhà xây cấp 4, khép kín, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Tôi làm móng và tường xây chắc chắn, cố định, tính toán để sau này các con tôi muốn thì chỉ cần dỡ mái ra rồi chồng tầng lên là xong, đỡ phải làm lại, tốn kém. 

Bây giờ các con tôi đều đã trưởng thành, tôi đã lo dựng vợ gả chồng cho cả 4 đứa, chúng đều đi làm ăn sinh sống xa, thỉnh thoảng mới về thăm tôi được vài hôm. Thế nên chỉ còn mình tôi ở nhà. Có hôm bị ốm, tôi vẫn phải gượng dậy nấu ăn gì đó qua loa để còn uống thuốc. Kể ra thì tôi thấy cũng buồn và hiu quạnh.

Cách đây 2 năm, trong một buổi họp cựu chiến binh của huyện, tình cờ tôi gặp một người đàn ông, hơn tôi 5 tuổi. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau như với các đồng đội khác. Tôi được biết là khi đó vợ ông ấy đã mất được 3 năm. Ông có 2 con, 1 trai, 1 gái, cũng đều đi làm ăn xa như các con tôi nên giờ ông ấy cũng phải sống một mình. Sau buổi họp ấy, tôi rất ngạc nhiên khi mấy ngày hôm sau nhận được điện thoại ông ấy gọi, chẳng hiểu sao mà ông ấy biết số điện thoại và địa chỉ nhà tôi. Sau mấy lần nói chuyện điện thoại, hỏi thăm về cuộc sống hàng ngày, ông ấy đến nhà tôi chơi. Lần nào tôi cũng tiếp đón lịch sự, như những người bạn của mình. Nhưng ông ấy thì dần tỏ ra thân mật, quan tâm đến tôi nhiều hơn. 

Sau gần 2 năm qua lại, ông ấy mạnh dạn nói với tôi rằng: “Bà về ở với tôi cho vui. Tôi và bà cùng chăm sóc, phục vụ nhau lúc tuổi già!”. Nhưng tôi không nhận lời ông ấy. Ông ấy vẫn đến chơi và không từ bỏ ý định muốn sống cùng tôi. Khi các con tôi và các con ông biết chuyện, chúng không vun vào nhưng cũng chẳng cào ra. Đứa nào cũng bảo tuỳ ông bà. Còn các bà hàng xóm hay chơi với tôi thì khuyên tôi nên nhận lời về ở với ông ấy cho đỡ buồn, tuổi già nương tựa vào nhau những khi trái gió trở trời. Còn nhà của tôi thì cứ khoá cửa để đấy, thỉnh thoảng về quét dọn. Nếu ông ấy mất trước thì tôi lại quay về, vẫn có nhà để ở. Còn nếu tôi chết trước thì nhà của tôi để cho các con tôi, chẳng ai lấy được. Tuy mọi người khuyên nhủ thế nhưng tôi vẫn thấy có gì đó không hay, không thuận, thế nên vẫn không nhận lời với ông ấy.

 

Ảnh minh họa.


Mấy tháng trước tôi bị cảm và sốt cao, nằm ly bì đến tận 11 giờ trưa. Ông ấy gọi cho tôi 2 cuộc, không thấy tôi nghe máy nên đã phi xe đến xem tình hình tôi thế nào. Biết là tôi bị ốm và chưa ăn uống gì, ông ấy đã đi mua bát phở, về bắt tôi ăn cho hết rồi uống thuốc. Tôi mệt chẳng muốn ăn nhưng ống ấy ép quá, nên nghĩ phụ công ông ấy đến tận đây, rồi lại chạy đi mua phở mang về nên cũng cố ăn cho ông ấy vui lòng. Rồi tôi lại nằm đắp chăn kín đầu.

Còn ông ấy ngồi ở chỗ bàn tiếp khách gần đó. Ông ấy lại nói: “Tôi đã bảo bà rồi, bà về ở với tôi, những lúc ốm đau thế này có tôi ở bên phục vụ, chăm sóc cho bà có phải là tốt không?”. Tôi vẫn đắp chăn kín đầu, vờ như không nghe thấy nên không trả lời ông ấy. Thế rồi tôi ngủ thiếp đi. Được khoảng nửa tiếng thì tôi thấy nóng, mồ hôi vã ra, chắc nhờ ăn bát phở nóng và uống thuốc nên người cũng nhẹ hơn. Tôi bỏ chăn ra và ngồi dậy thì vẫn thấy ông ấy ngồi ở ghế nhìn tôi. Ông ấy lại nhắc lại câu nói ban nãy, tôi lại vờ như không nghe thấy nên không trả lời. 

Ông ấy hỏi: “Bà có nghe thấy tôi nói gì không đấy?”. Lúc này không vờ được nữa, tôi hỏi: “Ông nói gì?”. Thế là ông ấy nhắc lại lần thứ 3. Tôi bảo rằng: “Tôi đã trả lời ông rồi. Bây giờ tôi và ông mà lấy nhau thì chẳng giải quyết được gì. Thôi, ông để cho tôi yên”. Tôi thấy ông ấy có vẻ xúc động, rồi ông vừa khóc vừa nói: “Tôi thương bà mà bà không hiểu lòng tôi và không thương tôi!”. Tôi vừa buồn cười vừa thấy thương và thấy ông ấy trông thật tội nghiệp. Thế nên tôi đành bảo: “Thôi, ông cứ về đi. Để tôi suy nghĩ thêm rồi sẽ trả lời ông sau”. 

Thực ra tôi nghĩ đúng là ông ấy có hiền lành, tử tế thật, nhưng giờ có còn trẻ trung gì nữa đâu. Nên tôi không muốn cuối đời rồi lại nảy sinh chuyện tình cảm, con cái và người ngoài người ta cười cho. Mặc dù quan hệ của chúng tôi rất trong sáng, nhưng nếu cứ để một người đàn ông qua lại nhà mình như thế này, tôi sẽ mang tiếng là già rồi còn cặp bồ. Thế nên tôi không đồng ý cho ông ấy đến nhà mình nữa. Nhưng ông ấy vẫn cứ đến và còn bảo rằng: “Tôi sẽ báo cáo chính quyền để tôi được đi lại với bà. Bà không phải sợ gì cả!”. Trước thái độ và quyết tâm của ông ấy, tôi thấy khó xử quá. Không biết phải làm thế nào bây giờ?

Theo PV / vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh