THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Pasteur - Phố áo dài Sài Gòn

Con đường Pasteur chạy dọc từ quận 1 sang quận 3 với chiều dài gần 2 km, được coi là một trong những con đường “đa sắc” nhất của Sài Gòn. Vì ở đó có nhiều công sở, nhiều tiệm buôn bán, quán ăn. Nhưng đối với giới nữ, thì điều đáng quan tâm nhất trên con đường này là những tiệm áo dài trứ danh trải dọc suốt từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai đến cuối đường, giáp với Trần Quốc Toản. Ví thế mà từ vài năm gần đây, chính quyền thành số đã chính thức chọn Pasteur làm “phố áo dài”.

Cả dãy phố có hàng chục tiệm may áo dài danh tiếng

Chị Thu Hà (quận Phú Nhuận) làm cô dâu đã hơn hai chục năm nay, nhưng cho đến giờ vẫn không thể quên được cái cảm giác bâng khuâng khi đến một tiệm may áo dài trên con đường này đặt may bộ áo cưới. “Hồi ấy, chồng sắp cưới chở mình trên chiếc Cub cánh én, phóng trên con đường rợp mát bóng cây. Mình phải nhắc anh ấy đi chậm lại, để còn ngắm phố phường. Quả thực, sống ở Sài Gòn từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy con đường vốn quen thuộc này lại bất ngờ trở nên đa cảm như lúc ấy. Nhìn con đường dài dằng dặc khi ấy chưa đông đúc như bây giờ, những gốc cây cổ thụ vạm vỡ nhưng những cành lá lại mềm yếu như tay con gái, rồi ngắm những tia nắng xuyên qua kẽ lá, mình chợt bồi hồi nhớ thời học trò đã bao lần tung tăng trong tà áo dài bước trên con phố này. Vậy mà, giờ đã sắp lấy chồng…”, chị kể.

Cả tuổi thơ của chị đã trải dài trên con đường này. Giờ đây, nhìn dòng người đông đúc nêm kín con đường, ai cũng hối hả trong cuộc mưu sinh, chị Hà nuối tiếc: “Con đường này ngày xưa đẹp lắm. Cứ mỗi giờ tan học, những tà áo dài trắng nữ sinh thấp thoáng dưới mái tóc thề. Có những chàng si tình lẽo đẽo theo sau như kẻ mộng du, đêm về lại thổn thức làm thơ… Mình còn nhớ, hình ảnh đẹp nhất hồi ấy là những nữ sinh mặc áo dài, đi trên chiếc xe Velo Solex (một loại xe đạp cổ có gắn động cơ của Pháp), trông vừa sang trọng, vừa lãng mạn”.

Những tiệm may áo dài ở con đường Pasteur, TP.HCM, không chỉ quen thuộc với người dân thành phố, mà còn tạo được danh tiếng với đông đảo Việt kiều và cả khách nước ngoài

Nhưng, có lẽ chính từ vẻ đẹp của những tà áo dài nữ sinh mà các nhà may áo dài từ hơn nửa thế kỷ trước đã chọn con đường này để lập nghiệp. Và hầu hết đều thành danh. Lâu đời nhất có lẽ phải kể đến nhà may Thiết Lập, có mặt ở đây từ hơn 60 năm trước. Những người thợ may trong tiệm đều là con trong một nhà, từ thuở bé đã sớm được tiếp cận với nghề may áo dài.

Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ tiệm hiện nay cho biết: “Với gia đình tôi, nghề may áo dài là nghề mẹ truyền con nối. Từ nhỏ, tôi đã có một “sở thích” ngắm… vòng eo thon thả của những người phụ nữ. Có lẽ chính cái sở thích ấy đã giúp tôi có được sự nhạy cảm trong nghề”.

Theo anh Vinh, chiếc áo dài không chỉ tôn lên vóc dáng thon thả mà còn thể hiện được nét kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Một người phụ nữ đẹp, dáng chuẩn thì mặc gì cũng đẹp, nhưng cái khó của người thợ may áo dài là làm sao để người tròn trịa mặc vào thấy thon thả, còn người gầy ốm mặc vào có cảm giác đầy đặn.

Mùa lễ Tết và mùa cưới là những khoảng thời gian con đường này trở nên đông đúc, sôi động

Cùng thế hệ với Thiết Lập còn có một số tên tuổi khác như Nha, bà chủ tiệm là Phạm Thị Nha, từng là người thiết kế trong dòng họ của ông bà Thiết Lập. Hoa hậu áo dài Đỗ Thị Kim Kha đăng quang năm 1989 với chiếc áo dài cho chính bà Nha thiết kế và thực hiện.

Cách đó vài căn là tiệm may Phương, cũng từng nổi đình nổi đám nhiều chục năm qua. Nhưng, người chủ tiệm vẫn tự hào nhất với hai sự kiện: Thứ nhất, Hoa hậu áo dài năm 1995 Đàm Lưu Ly đăng quang với tà áo mang thương hiệu của mình; Thứ hai, cũng tại cuộc thi này, nhà may Phương tham gia với tư cách nhà đồng tài trợ áo dài, với nhiệm vụ trong vòng chưa đầy nửa tháng phải may 80 bộ áo dài cho các thí sinh. Sau cuộc thi, nhà may Phương có tên trong top 10 chuyên gia may áo dài được khách hàng yêu thích nhất Sài Gòn.

Nhưng, không chỉ nổi bật với dòng áo dài truyền thống, mà những tiệm may trên con đường này còn cho thấy sức sáng tạo phi thường, được thể hiện qua những tác phẩm áo dài vẽ, trang trí cách điệu vô cùng độc đáo. Nhà may Liên Hương (số 111 Phasteur) là một điển hình, với những mẫu áo dài thêu, vẽ hình hoa sen, rồng phượng, chim lạc – trống đồng… trong những bộ sưu tập “Huyền sử Thăng Long”, “Âm vang Đông Sơn” từng gây ấn tượng mạnh tại nhiều chương trình thời trang trong và ngoài nước.

Pasteur là một trong vài con đường có tuổi đời cao nhất Sài Gòn. Năm 1865, dưới thời Pháp thuộc, phía bến Chương Dương còn là một con rạch. Hai bên rạch có hai con đường đều mang con số 24. Sau đó, một con đường được đặt tên là Olivier, và con đường kia là Pellerin. Khi con kênh bị lấp, tên đường Olivier cũng mất theo. Đến năm 1955, con đường Olivier cũ được mang tên Pasteur.

Con đờng Pasteur thơ mộng, hiền hòa giữa trung tâm Sài Gòn náo nhiệt

Thời xưa, đường Pasteur trông mềm mại như một dải lụa êm đềm, với hai hàng cây xanh non, nhà cửa thưa thớt, không nhiều người qua lại. Giờ đây, đường Pasteur đông đúc nhộn nhịp hơn hẳn. Ở đó không chỉ có những tiệm áo dài nổi tiếng, mà nhiều người dân nhập cư còn chọn làm nơi mưu sinh. Ngồi bên lề đường, nhấm nháp món ốc nướng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng mời chào mua bánh tráng xứ Quảng, nem Chợ Huyện, tré Bình Định… từ những người phụ nữ miền Trung, mới cảm nhận đươc một điều, rằng hương vị đồng quê giờ đây đã len lỏi vào tận khu trung tâm thành phố hoa lệ, làm cho cuộc sống trở nên tươi mát biết nhường nào.

Ngồi bên hè phố, nhìn những giọt nắng đung đưa qua kẽ lá, lòng lại bồi hồi khi thoáng thấy tà áo dài lướt qua. Nhẹ như một giấc mơ…

 

Đường Pasteur bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn (Bến Chương Dương, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) đến giáp Trần Quốc Toản (phường 8, quận 3), chia thành hai phần chính: Phần đầu đường có nhiều công sở, trụ sở doanh nghiệp; Nửa cuối đường có nhiều cửa hiệu áo dài, quán ăn nổi tiếng.

Ngoài những tiệm áo dài, trên con đường này còn có một số địa chỉ đáng quan tâm: Phở Hòa (260C Pasteur) là tiệm phở theo phong cách miền Nam nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn; Cháo Ngọc Bích (113 Pasteur) với những món cháo đặc sắc của Hà Nội; Hanah shop (182 Pasteur) nổi tiếng với những món đồ lưu niệm và đồ chơi trẻ em; Nhà hàng Ngon (160 Pasteur) với một không gian ẩm thực truyền thống đầy hấp dẫn. Ở đó còn có Viện Pasteur TP.HCM, một đơn vị y tế nổi tiếng với bộ môn dịch tễ đã có trên 115 năm hình thành và phát triển...

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh