CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:19

Đường đến ‘ác mộng’ của mẹ Cường đôla

 

Từ đại gia quyền lực

Năm 2010, khi mới xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là một trong những đại gia địa ốc hàng đầu với số vốn sau 4 đợt tăng đã đạt 601,57 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai càng được chú ý hơn vì đây là công ty gia đình của mẹ Phó TGĐ Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la).

Vì thế, khi cổ phiếu QCG chào sàn ngày 9/8/2010, QCG được nhà đầu tư theo sát. Với sức hấp dẫn từ thương hiệu Quốc Cường Gia Lai và niêm yết vào thời điểm thuận lợi, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, QCG đã tăng 7% từ 42.500 đồng/CP lên 45.500 đồng/CP.

Với kết quả như vậy, vốn hóa thị trường của QCG nhanh chóng đạt 2.737 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ trong năm 2010.

 

Bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường

 

Bên cạnh vốn hóa thị trường lớn, khoản lợi nhuận mà Quốc Cường Gia Lai đạt được cũng là những con số đáng khích lệ. Năm 2007, lợi nhuận sau thuế của công ty gia đình Cường đô la là 129 tỷ đồng. Sang năm 2008, con số này bất ngờ giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 6 tỷ đồng.

Nhưng cú rớt bất ngờ này không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của công ty. 2 năm tiếp sau đó, Quốc Cường Gia Lai vẫn có kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt. Năm 2009, 2010, lãi ròng của công ty vọt lên 122,6 tỷ đồng và 283 tỷ đồng.

Hoạt động bán hàng của công ty luôn đưa ra những con số lạc quan. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2009, 2010 lần lượt là 328 tỷ đồng và 717 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính thường xuyên mang về cho công ty khoản doanh thu không nhỏ. Khoản doanh thu này đạt 128 và 88 tỷ đồng.

Với những con số lạc quan này, QCG nhanh chóng khẳng định được vị trí blue-chip của mình trên sàn chứng khoán. Có nhiều thời điểm, QCG đóng góp khá lớn vào sự quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index.

Chìm sâu vào “ác mộng”

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau ngày niêm yết, “cơn ác mộng” đã hé lộ với Quốc Cường Gia Lai. Sang năm 2011, Quốc Cường Gia Lai lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ. Công ty là âm 39,8 tỷ đồng. Trong đó, kết quả kinh doanh quý 4 của Quốc Cường Gia Lai khiến cổ đông sốc khi công ty lỗ hơn 103 tỷ đồng.

Các năm sau đó, dù đã lấy lại được lợi nhuận dương nhưng con số lãi vẫn rất khiêm tốn, nhiều nhất chỉ có 32 tỷ đồng trong năm 2014. Điều đáng nói, trong những năm có lãi, QCG vẫn chứng kiến không ít quý thua lỗ.

Mẹ con Cường đô la

 

Bên cạnh thị trường không thuận lợi, “cơn ác mộng” của QCG còn đến từ khoản nợ khủng. Cho tới năm 2009, QCG vẫn chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức an toàn. Đa số khoản vay của công ty đều nằm ở vay ngắn hạn, khoản vay phục vụ cho vốn lưu động. Khoản vay này đạt hơn 200 tỷ đồng. Vay dài hạn thấp hơn rất nhiều vay ngắn hạn.

Thế nhưng, kể từ 2010, Quốc Cường Gia Lai đẩy mạnh vay vốn, đặc biệt là những khoản vay dài hạn phục vụ cho mở rộng đầu tư. Vay ngắn hạn tăng lên 366 tỷ đồng trong khi vay dài hạn vọt lên 583 tỷ đồng. Trong những năm sau đó, với nhiều kế hoạch “tham lam”, Quốc Cường Gia Lai lại tiếp tục vay vốn.

Tới quý 1/2015, chỉ riêng khoản vay dài hạn của công ty đã là 1.699 tỷ đồng. Điều đáng kể nhất, rất nhiều khoản vay của công ty thường xuyên trong tình trạng sắp đến ngày đáo hạn. Trong khi đó, dòng tiền về tài khoản chưa nhiều. Có thể thấy, chỉ riêng việc trả lãi và thanh toán nợ ngắn hạn, Quốc Cường Gia Lai cũng đã đủ đau đầu.

Ví dụ, chính nợ vay cao đã khiến công ty thua lỗ trong năm 2011. Đó là khi chi phí lãi vay lên tới 153 tỷ đồng, trong khi lãi gộp cả năm chỉ vỏn vẹn 52 tỷ đồng.

Bản thân bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cũng phải thừa nhận vay nợ là “ác mộng” với công ty. Từ nay trở về sau, công ty sẽ cực kỳ cẩn trọng trong vấn đề vay nợ. "Phải bớt tham đi thì mới an toàn" - bà Loan đúc kết.

Nợ vay lớn nhưng không có nguồn tiền nên Quốc Cường Gia Lai đành “dứt ruột” bán dự án Vân Đồn. Bà Loan khẳng định đây là dự án "đáng tiếc" khi QCG đã chuyển nhượng quá sớm. Nếu không chuyển nhượng, dự án đó có thể mang lại ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận.

"Mỗi lần đi ngang qua, tôi tiếc đứt ruột" - bà Loan chia sẻ. Thế nhưng, tình hình thiếu hụt dòng tiền lúc đó khiến QCG chỉ có thể chọn một, và công ty quyết định chọn dự án Phước Kiển.

 

Hiện tại, dự án Phước Kiển hứa hẹn mở ra tương lai tươi sáng cho công ty. Dự kiến khoảng quý 2/2016, dự án này bắt đầu mang lại "quả ngọt" cho Quốc Cường Gia Lai sau một thời gian dài long đong, lận đận.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông, bà Loan cho biết công ty đã tìm được đối tác có thiện chí, họ đánh giá giá trị dự án Phước Kiển lên tới 7.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, dự án Phước Kiển là “cứu” cánh giúp Quốc Cường Gia Lai thoát ra khỏi “ác mộng”. Nhưng có vẻ như sự phục hồi của Quốc Cường Gia Lai vẫn chậm hơn so với nhiều đại gia địa ốc khác.

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh