THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:57

Đường bờ biển Thừa Thiên Huế sạt lở nghiêm trọng, đời sống dân cư bị đe dọa

Một điểm sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển xã Vinh Hải

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, nên từ  tối ngày 7 - 12/12 trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Diễn biến phức tạp của mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, trong đó, nhiều đoạn bờ biển Thừa Thiên Huế (chủ yếu ở huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc) bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng.

Sáng 13/12, phóng viên báo Dân Sinh đã có mặt và ghi nhận thực trạng sạt lở tại khu vực bờ biển xã Phú Thuận (Phú Vang). Hàng trăm mét đường bờ biển ở đây chưa được xây dựng bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn biển xâm thực sâu vào đất liền từ 5 – 10m. Cụ Nguyễn Văn Đ. (66 tuổi, ngụ thôn An Dương 1) cho biết: “Năm nay mưa lũ muộn và chưa mạnh, chứ như mọi năm thì tình hình sạt sở còn dữ dội hơn. Bờ biển sạt lở đến mức, những người ngư dân như chúng tôi không còn cả chỗ để quay thuyền đưa vào bờ nữa. Khu vực này trước kia nhiều ghe thuyền vào đậu lắm, mà giờ còn lèo tèo 1, 2 cái như các chú thấy đấy”.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Đặng Tiến Tùy – Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, chiều dài bờ biển toàn xã này là 5,2 Km. Trong thời gian vừa qua, tình hình sạt lở bờ biển xảy ra nhiều và nghiêm trọng nhất tại 5 thôn: Tân An (khoảng 100m); Trung An (khoảng 500m), các thôn An Dương 1, 2, 3 (khoảng 800m). Bờ biển sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến sự an toàn đời sống dân cư. Theo đó có khoảng 28 hộ dân bị ảnh hưởng cần được di dời khẩn cấp; nằm trong khoảng cách không an toàn ảnh hưởng trong lụt bão khoảng 450 hộ dân. Ngoài ra, có 7 quán bờ biển và 1 khu resort cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biển xâm thực sâu vào đất liền.

Cũng trong sáng 13/12, chúng tôi cũng đã có mặt tại khu vực bờ biển thuộc thôn 3 (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc). Đây là đoạn bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua với tổng chiều dài theo thống kê của cơ quan hữu quan là khoảng 3,3Km. Một người dân cho chúng tôi biết, bờ biển Phú Hải từ thôn 3, thôn 4 năm nào cũng xảy ra sạt lở và thực trạng xâm thực đất liền luôn ở mức nghiêm trọng, thậm chí mở cả cửa biển mới; một số đoạn nước đã tràn qua Tỉnh lộ 21.

Mặc dù địa phương đã được nhà nước đầu tư nguồn kinh phí để xây dựng bờ kè cũng như chính quyền cùng người dân nơi đây đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng biển xâm thực đất liền nhưng Vinh Hải vẫn là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ biển, biển xâm thực tại Thừa Thiên Huế. Gần như năm nào, địa phương này cũng xảy ra sạt lở bờ biển. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm biển lại lấn sâu vào đất liền từ 10 – 20m.

Tình trạng biển xâm thực đất liền tại Vinh Hải không chỉ đe dọa đến các hàng quán dọc bờ biển, việc nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của họ. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 3.200 hộ dân trên địa bàn xã Vinh Hải sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp trước thực trạng bờ biển bị sạt lở. Ngoài ra, nó còn đe dọa đến sự an toàn của tuyến đường Tỉnh lộ 21, một con đường có ý nghĩa quan trọng trong đời sống và sản xuất của địa phương.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở bờ biển tại xã Vinh Hải với chiều dài khoảng 3,3Km; tại xã Phú Thuận với chiều dài khoảng 2Km, xói sâu vào đất liền từ 5 – 8m; tại các xã Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang) khoảng 2Km.

Một số hình ảnh sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên Huế:

Điểm sạt lở nghiêm trọng tại thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang

Tình trạng sạt lở bờ biển gây khó khăn cho việc mang ghe thuyền lên bờ của ngư dân địa phương

Theo một người dân địa phương, tình trạng biển xâm thực đất liền diễn ra nhiều năm qua tại bờ biển Phú Thuận

Đường bờ biển bị sạt lở nham nhở

Biển xâm thực đe dọa đời sống người dân dọc bờ biển Phú Thuận

Tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, thực trạng biển xâm thực càng nghiêm trọng hơn và gần như năm nào cũng xảy ra

Hàng quán dọc bờ biển vốn được xây dựng khá xa mặt nước nay đã đứng bên bờ vực thẳm

Một vài hàng quán khác đã bị mất phân nửa

Biển xâm thự trầm trọng, trong khi cửa hàng quán chỉ còn những cột bê tông đứng trơ trọi

Ngay cả đền thờ của người dân cũng đã bị lộ chân móng

Một gốc dương bị đánh bật

Thậm chí cả bê tông cũng bị đánh vỡ tan tành

Những đoạn bờ biển Thừa Thiên Huế bị sạt lở trong nhiều năm và nay chưa được gia cố, xây kè chắn sóng

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh