Đường 9 huyền thoại và khát vọng hùng cường
- Huyệt vị
- 23:34 - 03/05/2021
Thắng lợi lịch sử trên tuyến đường huyền thoại
Đường 9 là tuyến đường huyết mạch, nối liền vùng ven biển, đồng bằng và đô thị với vùng núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị. Đường 9 vắt ngang qua dãy Trường Sơn, từ Đông sang Tây nối liền 2 nước Việt - Lào nên có vai trò rất quan trọng về mặt chiến lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 9 thể hiện ý chí khát khao giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tháng 3/1971, trước cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - ngụy mang tên "Lam Sơn 719" nhằm cắt đứt nguồn chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Chiến dịch giành thắng lợi giòn giã, tạo đà cho chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, viết lên bản hùng ca bất diệt.
Nói về vai trò của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
"Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là đòn giáng mạnh vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương, bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Đây mãi mãi là một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương khẳng định.
Hành lang kinh tế và khát vọng hùng cường
Ngày nay, Quốc lộ 9 nằm trong "hệ thống mạch máu" giao thông vùng duyên hải miền Trung, trở thành Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền 4 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, góp phần hiện thực khát vọng hùng cường - thịnh vượng của đất nước.
Giờ đây, dọc tuyến Đường 9, những khu dân cư, thương mại sầm uất ngày càng hình thành nhiều hơn và không ngừng phát triển, nhất là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập năm 1998, đến nay khu kinh tế thương mại này đã thu hút khoảng 1.700 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhiều dự án với gần 3.700 tỷ đồng. Nhờ vậy mà khu kinh tế thương mại này đã tạo lập được hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, giúp hoạt động giao thương vùng biên giới luôn nhộn nhịp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong số 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021 - 2025 tại khu kinh tế thương mại này với số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ở phía cực Đông, Cảng biển Cửa Việt là điểm đầu của Quốc lộ 9 với 3 bến cảng có thể đón tàu tải trọng 3.000 tấn, năng lực hàng hóa thông qua cảng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Thời gian tới Quốc lộ 9 còn kết nối thêm với 2 cảng biển lớn gồm: Cảng CFG Nam Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ở xã Hải An, huyện Hải Lăng. Trong đó cảng CFG Nam Cửa Việt quy mô trên 18ha, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn; Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.
Về mặt đường bộ, từ lâu, Đường 9 đã kết nối với Quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh, tạo nên sự liền mạch từ Bắc chí Nam. Tương lai không xa, khi đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn nói riêng và tuyến cao tốc Bắc - Nam nói chung được xây dựng hoàn thành, càng giúp hàng hoá lưu thông nhanh chóng hơn. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã đồng ý cho Quảng Trị lập dự án nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, sẽ tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của Quảng Trị và khu vực miền Trung trong tương lai.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Đường 9 năm xưa chiến công lẫy lừng, con đường nở đầy hoa chiến thắng nay đã trở thành con đường Xuyên Á, là "đường lớn đã mở" cho Quảng Trị cất cánh trong thời kỳ hội nhập. Những năm qua, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực cho sự phát triển. Từ chỗ là vùng trắng về công nghiệp trong những ngày đầu lập lại tỉnh, theo thời gian, Quảng Trị đã có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành, trong đó có nhiều nhà máy quy mô khá lớn. Các ngành công nghiệp có thế mạnh như dệt may, chế biến gỗ, chế biến nông hải sản, năng lượng… được tập trung thu hút đầu tư. Công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phát triển nhanh chóng, hứa hẹn tương lai không xa Quảng Trị sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và cả nước.
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết: Quảng Trị phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Đường 9 sẽ là trọng điểm phát triển của tỉnh với các định hướng phát triển về năng lượng, vận tải hàng hóa quốc tế, thương mại, du lịch, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế… Tuyến đường đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế của Quảng Trị và đất nước.