Dưới chân cột cờ Hiền Lương viếng Bác
- Văn hóa - Giải trí
- 00:07 - 15/09/2015
Nhà báo Dương Đức Quảng bên cột cờ Hiền Lương (ảnh chụp năm 1969).
Trong cuộc đời làm báo suốt 50 năm qua tôi có không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn không thể nào quên. Một trong những kỷ niệm đau buồn nhất của tôi chính là ngày nghe tin Bác mất, được chứng kiến lòng tiếc thương Bác Hồ vô hạn của quân và dân vùng đất ác liệt nhất, được mệnh danh là Lỹ thép Vĩnh Linh trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ và đưa tin về Lễ truy điệu Người dưới chân cột cờ Hiền Lương trên vĩ tuyến 17, nơi tạm thời chia đôi hai miền đất nước sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam.
Chiều ngày 2-9-1969, khi tôi đang là phóng viên thường trú của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX - nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) tại Quảng Bình thì nhận được điện của ông Đào Tùng, Tổng Biên tập (sau này là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) cử tôi vào ngay Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới. Bức điện không nói rõ nhiệm vụ mới đó là gì nhưng tôi nghĩ chắc là nhiệm vụ quan trọng lắm nên đích thân Tổng Biên tập mới ký điện cử tôi đi. Bốn giờ sáng ngày 3-9-1969 tôi thức dậy, buộc chiếc túi xách đựng sổ tay, chiếc máy ảnh Pra-ti-ca đã cũ của Đông Đức và một nắm cơm cô cấp dưỡng mới đưa, vào boóc-ba-ga chiếc xe đạp Thống Nhất, không quên khoác ngang người chiếc đài thu thanh bán dẫn hiệu Xieng-mao của Trung Quốc, đạp xe vào Vĩnh Linh. Từ Phú Vinh tôi đạp xe xuống tới thị xã Đông Hới xa gần chục cây số mà trời vẫn chưa sáng, rồi cứ thế theo Quốc lộ 1 đi vào.
Tuy những ngày này Mỹ đã chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng đường sá chưa kịp sửa lại, vẫn rất khó đi. Mặt đường nham nhở hố bom và ổ voi, ổ gà, lại phải qua mấy cái phà, có khi chờ đợi hàng tiếng mới đi được. Đạp xe được khoảng chục cây số thì trời lại đổ mưa tầm tã, nhiều đoạn đường lầy lội, càng khó đi hơn. Mờ sáng 3-9, tôi dừng xe chờ phà Quán Hàu, ghé vào một cái quán lợp lá bỏ không bên đường, gạt đất bám vào gác-đờ-bu xe đạp, mở đài nghe bản tin thời sự buổi sáng như thường lệ.
Ngay đầu bản tin, tôi bàng hoàng nghe giọng thật buồn của nữ phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc Bản Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về tình hình sức khoẻ của Hồ Chủ tịch. Chị phát thanh viên còn đọc cả thời gian phát đi Bản Thông cáo đặc biệt này, là 4 giờ sáng ngày 3-9-1969. Tôi lặng đi, không biết nước mắt hay nước mưa cứ tràn trên má! Lúc này tôi mới hiểu việc Tổng Biên tập Đào Tùng cử tôi vào Vĩnh Linh gấp như thế là có dự kiến về một sự kiện trọng đại sắp xảy ra, cần có phóng viên của VNTTX tại chỗ để đưa tin.
Lễ thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương trong Lễ hội "Thống nhất non sông".
Dọc đường vào Vĩnh Linh, tôi đạp xe trong mưa, nhiều khi như người mất hồn, cố sức đạp nhanh để có thể vào tới nơi sớm nhất. Quá trưa 3-9, tôi lại dừng chân, nghỉ nhờ nhà một người dân bên đường, cố nuốt nắm cơm mang theo để lấy sức đạp tiếp và không quên mở đài để theo dõi tiếp tin về tình hình sức khoẻ của Bác. Nhập nhoạng tối 3-9-1969, sau quãng đường dài đạp xe hơn 70 km tôi mới tới được thị trấn Hồ Xá. Lúc này trời vẫn không ngớt mưa, đất đỏ ở Hồ Xá bám chặt lấy hai bánh xe đạp của tôi, nhiều lúc không đi nổi. Vừa gỡ đất, vừa đi, có lúc không đi nổi phải đẩy, phải vác xe, lọ mọ hỏi đường vào cơ quan Tuyên huấn Đặc khu uỷ trước khi trời tối hẳn.
Sáng sớm ngày 4-9-1969, cả cơ quan Đặc khu uỷ Vĩnh Linh lặng đi khi nghe Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin Bác Hồ đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969 sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng, thọ 79 tuổi…”(sau này Đảng và Nhà nước chính thức thông báo Bác Hồ mất hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Nước mắt đẫm trên khuôn mặt mọi người. Ai cũng hướng về Hà Nội tưởng nhớ Bác. Bảy ngày để tang Bác Hồ là bảy ngày Vĩnh Linh chìm trong đau thương, mất mát tưởng như không có gì có thể bù đắp nổi.
Cầu Hiền Lương nối hai bờ sông Bến Hải.
Sáng ngày 8-9-1969, Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Vĩnh Linh họp phiên mở rộng đặc biệt hướng về Quảng trường Ba Đình cùng quân, dân Thủ đô và quân dân cả nước nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật tại chỗ Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong niềm tiếc thương vô hạn của mọi người. Khi nghe đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc 5 Lời thề trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả hội trường Đặc khu ủy Vĩnh Linh vỡ òa trong tiếng khóc. Ai cũng khắc ghi trong trái tim mình lời thề với Người sẽ đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất đất nước đến toàn thắng!
Ngay buổi chiều ngày 8-9-1969 tôi đến Đồn Công an Nhân dân Vũ trang Hiền Lương cùng các cán bộ, chiến sĩ đang nắm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió lặng lẽ và nghiêm trang đứng dưới cột cờ Hiền Lương dự Lễ tưởng niệm Bác Hồ. Cột cờ Hiền Lương đầu tiên được dựng vào năm 1954, làm bằng gỗ dương, đến năm 1963 được dựng lại bằng sắt, chiều cao 38 m, trong đó phần đài cao 11,5 m, trên đó là lá Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Năm 1967, Mỹ ném bom làm sập cột cờ, lúc tôi đến không còn chiếc cột xây bằng sắt từ năm 1963, mà thay vào đó là một chiếc cột cở bằng tre, cao quá nóc nhà của Đồn Công an Nhân dân Vũ trang bảo vệ giới tuyến. Ngoài cột cờ, trên bờ Bắc cầu Hiên Lương và sông Bến Hải còn có chiếc loa sắt khổng lồ, công suất 500kw, hàng ngày truyền tiếng nói của Đài Tiếng nói Việt Nam vào cho đồng bào phía Nam. Chiếc loa này trong chiến tranh cũng đã hứng chịu nhiều bom đạn của Mỹ, sứt, thủng nhiều chỗ, nay trở thành hiện vật lịch sử, truyền thống cách mạng, kháng chiến, được Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đưa về 58 Quán Sứ Hà Nội trưng bày
Trong những năm chiến tranh, không biết bao nhiêu lần cột cờ Hiền Lương bị bom đạn Mỹ bắn phá nhưng không ngày nào lá cở đỏ sao vàng của Tổ quốc không tung bay trước gió. Song, trong bảy ngày cùng cả nước để tang Bác Hồ lá cờ ấy đã không tung bay mà rủ xuống trong nỗi đau thương không nguôi của mỗi cán bộ chiến sĩ và bà con nơi đây.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng có giải băng tang rủ xuống được các chiến sỹ Đồn Công an Nhân dân Vũ trang Hiền Lương treo trên chiếc cột cờ ngay bên đầu cầu Hiền Lương, lòng tôi quặn thắt, buồn đau, nhớ tới Bác Hồ và Lời Di chúc Bác để lại: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta…”.
Đầu năm 1971, tôi rời Quảng Bình, Vĩnh Linh vào chiến trường miền Nam, mang theo quyết tâm của người chiến sỹ thực hiện Di chúc của Bác Hồ đưa sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng.
Cuối năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lần đầu tiên sau bốn năm xa Vĩnh Linh, tôi có dịp trở lại mảnh đất anh hùng này. Năm 1972 Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, cầu Hiền Lương bị bom của Mỹ phá hủy hoàn toàn, còn cột cờ Hiền Lương vẫn đứng vững như ngày tôi đến năm 1969 khi cả nước để tang Bác Hồ. Phải một năm sau, năm 1976, chiếc cầu mới được xây cách cầu cũ 35m về phía hạ lưu. Năm 2003, cầu Hiền Lương cũ cùng cụm di tích đôi bờ Hiền Lương gồm cột cờ và Đồn Công an Nhân dsân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) mới được khôi phục lại đúng vị trí cũ.
Đứng bên cầu Hiền Lương sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, ngước nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, tôi lại nhớ tới thời khắc cùng các cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương làm Lễ truy điệu Bác Hồ dưới chân cột cờ này, bùi ngùi nuối tiếc vì Bác không còn để “đi khắp hai miền Nam Bắc” chúc mừng đồng bào và chiến sỹ cả nước trong những ngày vui toàn thắng này...
Ngày Quốc khánh 2-9 năm nay nhớ lại ngày Bác đi xa đã 46 năm mà tôi thấy như mới ngày nào, lòng càng nhớ thương Bác không nguôi!
Hà Nội, ngày 24-8-2015