CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:09

Dừng viện trợ, người điều trị HIV/AIDS không có BHYT càng thêm khó khăn

 

Người nhiễm HIV cần chủ động tham gia HBYT
Theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉ lệ tham gia BHYT của người nhiễm mới đạt trên 50%. Người nhiễm HIV chưa chủ động mua thẻ vì quen được điều trị miễn phí trong nhiều năm qua, hoặc không có giấy tờ tùy thân, sai lệch thông tin giữa giấy tờ tùy thân và thông tin bệnh nhân đang quản lý, người nhiễm HIV cố tình giấu danh tính vì sợ bị phân biệt, kỳ thị. Để thực hiện Quyết định trên, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. 
Vấn đề đồng chi trả đối với thuốc ARV, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan căn cứ vào khả năng ngân sách, thực hiện thông qua quỹ khám chữa bệnh người nghèo, quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và các quỹ khác thuộc địa phương (nếu có). Thực hiện chỉ đạo này, nhiều địa phương đã cân đối ngân sách để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Cục Phòng chống HIV/AIDS đã yêu cầu các đơn vị rà soát số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT, chưa có thẻ BHYT và phân theo nhóm đối tượng bệnh nhân (người nghèo, cận nghèo, học sinh, người lao động…); từ đó xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá việc triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV cũng như đảm bảo kinh phí của các địa phương cho phần cùng chi trả thuốc kháng HIV. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn, để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.

Vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai bảo hiểm y tế trong điều trị HIV vì người nhiễm HIV vẫn chưa chủ động tham gia BHYT (ảnh Chu Lương)

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 6/2017, cả nước có khoảng 82% cơ sở điều trị HIV thuộc bệnh viện và trung tâm y tế 2 chức năng; 43 cơ sở điều trị thuộc trung tâm y tế 1 chức năng tại 9 tỉnh/thành phố đã ký được hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Có 9/29 trung tâm phòng chống HIV ký được hợp đồng và 5/9 trung tâm đang cung cấp dịch vụ qua BHYT. Vẫn còn 20 tỉnh có cơ sở điều trị nằm trong trung tâm phòng chống HIV chưa thực hiện ký hợp đồng với cơ quan BHXH để khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS…
Dự báo đến cuối năm 2017, các nguồn viện trợ nước ngoài về phòng chống HIV/AIDS sẽ dừng, chỉ còn hỗ trợ thuốc ARV, đây là một khó khăn không nhỏ đối với những người nhiễm HIV, đặc biệt là đối với những người không có BHYT.
Người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn khi không có bảo hiểm y tế
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, cả nước đã có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp dương tính với HIV mới được phát hiện vào khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. Dịch HIV vẫn đang lây lan ra cộng đồng và ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Báo cáo mới đây của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP. HCM, tính đến tháng 3/2017, đang điều trị cho 30.000 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó 70% bệnh nhân đã có thẻ Bảo hiểm y tế. Với 30% bệnh nhân chưa có thẻ, đa phần là những người nghèo, sống chung với hộ gia đình có nhiều thành viên, không có khả năng mua bảo hiểm y tế, hiện Ủy ban nhân dân Thành phố đã chấp thuận dùng Quỹ kết dư bảo hiểm y tế và Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ mua thẻ cho những đối tượng này.
Tuy nhiên, số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, hiện vẫn còn gần 1.000 trường hợp gặp khó khăn về pháp lý, đó là những người không có giấy tờ tùy thân, không nơi cư trú, những người đang ở các trại giam, Việt kiều Campuchia… Đây là một trong những vướng mắc vẫn chưa tìm được giải pháp tháo gỡ trong việc điều trị HIV thông qua thẻ bảo hiểm y tế tại TP. HCM.
Tại Phú Thọ, theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Thọ, tính đến cuối tháng 6/2017 phát hiện 4.143 người nhiễm HIV. Có gần 1.700 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV, trung bình mỗi năm có 200 - 250 người tiếp cận điều trị mới, giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS. 100% số huyện, thành, thị gồm 277/277 xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh phát hiện 114 người nhiễm mới.
Hiện tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mới chỉ chiếm trên 70%. Những người nhiễm HIV/AIDS còn lại đang điều trị không có thẻ BHYT vì nhiều nguyên nhân. Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2017, 100% người nhiễm HIV/AIDS đang quản lý, điều trị đều có thẻ BHYT, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Phú Thọ đang tiến hành khảo sát, thống kê thực trạng người nhiễm HIV, trong đó liên tục cập nhật tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT để có phương pháp tuyên truyền, vận động thích hợp tới từng đối tượng. Đối với người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại tỉnh, được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn trực tiếp để mua BHYT theo chương trình chung của tỉnh, từ đó sẵn sàng chuyển tiếp điều trị từ nguồn tài trợ quốc tế sang thanh toán điều trị bằng BHYT.
Còn tại Vĩnh Long, hiện chỉ có 654/1091 bệnh nhân HIV/AIDS có tham gia BHYT, chiếm 60%. Trong số này người bệnh mua BHYT theo hộ gia đình chiếm 72%. Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh cho biết, bình quân điều trị bệnh nhân nhiễm HIV khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với mức chi phí này, bệnh nhân không đủ khả năng chi trả, kéo theo rất nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người bệnh cũng như cộng đồng.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, một số địa phương hiện nay còn hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh HIV/AIDS. Tham gia BHYT rất có lợi với mỗi người, đặc biệt với người nhiễm HIV/AIDS là rất cần thiết. Nếu có phải đóng tiền mua BHYT thì với người nhiễm HIV cũng chỉ là đóng góp một phần nhỏ vào chi phí khám, điều trị bệnh cho chính bản thân mình. Do vậy, người nhiễm HIV nếu chưa có BHYT cần tham gia BHYT để được tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh