"Đừng tưởng bán trà đá vỉa hè mà dễ"
- Huyệt vị
- 21:10 - 16/05/2020
Đi một vòng quanh các con phố trên địa bàn Hà Nội, đâu đâu cũng bắt gặp những quán trà đá vỉa hè "mọc" san sát nhau, càng gần những tòa nhà lớn có nhiều công ty, quán ăn, bến xe hay trường học…thì những quán vỉa hè này lại càng nhiều.
Một điều lạ lùng rằng dù có rất nhiều hàng trà đá đua nhau bán nhưng quán nào quán nấy đều chật kín khách ngồi, thậm chí khách phải ngồi tạm dưới đất vì không đủ ghế. Khách hàng chủ yếu là dân lao động, xe ôm, người ship hàng, dân văn phòng hay học sinh, sinh viên gần đó.
Theo chia sẻ của một số chủ hàng trà đá vỉa hè, "trào lưu" trà đá vỉa hè của người Hà Nội được rộ lên từ những năm 2000 nhưng những năm gần đây nghề bán trà dạo mới thật sự hot và đem lại thu nhập.
Nhiều người cho biết, thu nhập cũng rất thấp thỏm, tháng nào tốt thì được 7-8 triệu, tháng nào chán thì chỉ được 4-5 triệu đồng.
"Tôi đã bán trà đá vỉa hè được gần 10 năm sau khi chuyển qua nhiều nghề khác nhau thi thấy bán trà đá là có thu nhập ổn, nhiều người hay nói vui rằng bán trà đá, trà chanh là nghề "một vốn bốn lời".
Quả đúng là như vậy, nếu chịu khó mỗi tháng, người bán trà đá có thể kiếm khoảng chục triệu đồng nhưng cái nghề này cũng gặp không ít khó khăn", bà Tâm, bán trà đá tại đường Trần Phú, Hà Nội cho biết.
Cũng giống bà Tâm, bà Nguyễn Hiền Mai, sống tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, mùa đông cũng như mùa hè, ngày nào hàng trà đá của bà Mai cũng đông khách.
Mùa đông bán trà nóng, mùa hè bán trà đá và trà chanh, nhưng theo bà Mai, mùa hè đông khách hơn hẳn. Ngày nào ít khách thì được 4 siêu nước, ngày nào nắng nóng, khách nhiều bán thì phải liên tục đun nước và bán 6 – 8 siêu nước.
Hiện tại, mỗi cốc trà đá có giá 3.000 đồng, một vài quán đắt hơn thì 5.000 đồng/cốc. Tại những hàng trà chanh thì có giá 10 – 15.000 đồng/cốc. Hầu hết các hàng này đều bán thêm kẹo lạc, thuốc lá, thuốc lào, hướng dương hay các loại nước ngọt khác nên doanh thu cũng không tồi.
Là gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, phải thuê trọ tại một phòng ẩm thấp ven đường tàu, bà Tâm một mình bươn chải nuôi thêm 1 người con có khiếm khuyết về nhận thức, vì đặc trưng của nghề bán trà đá là phải dậy sớm thật nhiều nấu nước sôi cho vào các phích giữ nhiệt để có thể đủ dùng cho cả ngày bán hàng.
Không chỉ phải thức khuya dậy sớm, những hàng trà đá vỉa hè cũng gặp phải nhiều khó khăn mỗi khi lực lượng an ninh Hà Nội tổ chức dẹp vỉa hè, truy quét hàng rong, khi đó bà Tâm cùng rất nhiều người bán hàng rong khác khổ sở vì phải bê ghế chạy vòng quanh.
Nhiều người than thở rằng, công việc bán trà đá vỉa hè tuy được tự do nhưng luôn trong tình trạng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giữa cái nắng nóng gần 40 độ cháy da cháy thịt hay trời mưa to vẫn phải ngồi bán hàng dưới 1 chiếc ô hay gốc cây.
Bà Tâm cho hay, "hàng này tôi phải dậy từ 3h sáng để nấu nước, hãm trà và chuẩn bị các đồ dùng mang đi bán. Cái nghề tưởng chừng như nhàn hạ chỉ cần rót trà thu tiền nhưng thực chất rất vất vả".
Giống bà Tâm, một chủ hàng trà đá khác cũng kể "nhiều ngày nắng nóng quá tôi bị đau đầu, chóng mặt không làm được gì nên phải nghỉ bán khiến cho thu nhập cũng bị hao hụt, nhiều người nghĩ chỉ dọn vài cái ghế ra là kiếm được tiền nhưng họ đã nhầm", chị Nguyễn Thị Thành, chủ hàng nước tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Không thể phủ nhận rằng số vốn ban đầu bỏ ra thì ít, chỉ vài trăm nghìn nhưng những khoản phí phụ mới là điều đáng nói.
Nhờ quen biết người bạn nên anh Tuấn mở được một quán trà đá ở cạnh bến xe khách, anh cho biết để mở được hàng như vật thì phải đóng "thuế" hàng tháng. Nhiều khi gặp các trường hợp bùng tiền hoặc quên không trả nên cũng công cốc.