Đừng lãng phí "tài nguyên lịch sử"
- Văn hóa - Giải trí
- 07:07 - 17/02/2022
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, việc tôn tạo, chỉnh trang này dù giúp cho khu vực "đẹp nhất Sài Gòn" trở nên văn minh, sạch sẽ hơn nhưng những "tài nguyên lịch sử" hiện hữu lại chưa được coi trọng đúng mức để có thể khai thác và nâng tầm giá trị. Theo đó, đoạn bờ sông Bến Nghé từ Bến Nhà Rồng và Cột Cờ Thủ Ngữ đến nhà máy Ba Son cũ là một trong những di sản văn hóa quý hiếm của thành phố. Đáng kể là Cột Cờ Thủ Ngữ - nơi từng được chúa Nguyễn đặt đồn thu thuế và là nơi cư trú đầu tiên của quân binh, lưu dân Việt Nam khi mới đặt chân trên vùng đất Bến Nghé khoảng năm 1623. Khu vực này cũng từng được đặt trạm Gia Tân (trạm giao liên của triều đình) và nhà Công Quán (một dạng nhà khách chính phủ).
Đầu thập niên 1860, cùng với việc xây dựng cảng Sài Gòn hiện đại, người Pháp làm cột cờ là nơi báo tín hiệu cho tàu thuyền ra vào; xây tòa nhà Rồng và tòa nhà Hải Quan (tên xưa gọi là tòa Thương Chính). Đây có thể coi là "bộ ba" kiến trúc phương Tây cổ xưa nhất xây dựng trên đất Việt Nam. Cả ba vẫn còn nguyên vẹn, đã được trùng tu, xứng đáng là những cột mốc mở đầu công viên Bến Bạch Đằng.
Khu vực này từ thời Chân Lạp cho đến nhà Nguyễn còn là bến sông chỉ dành cho vua, còn gọi là Bến Ngự. Đặc biệt, ở gần vị trí bến phà Thủ Thiêm từng có một kiến trúc mang tên Thủy Các. Đây là nhà làm việc và nghỉ mát bên sông của vua.
Ngoài ra, bến phà Thủ Thiêm xưa xuất phát là bến đò mang tên Cây Bàng, ra đời từ đầu thế kỷ 19, đến đầu thế kỷ 20 trở thành bến phà. Đoạn bờ sông từ xưởng Ba Son cũ (nay là nhà ga Metro Ba Son và đầu cầu Thủ Thiêm 2) là nơi ghi dấu việc xuất xưởng những con tàu chiến Việt Nam từ cuối thế kỷ 18. Vào thời kỳ Lê Văn Duyệt là tổng trấn Gia Định (1812 - 1832), đoạn bờ sông này là nơi tập hợp chiến thuyền để tập trận thủy quân trong lễ hội thao diễn quân sự diễn ra hằng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng.
Như vậy, bên cạnh việc tạo cảnh quan để người dân đến vãn cảnh, thư giãn còn có thể biến khu vực này thành một "tiểu cảnh lịch sử" cho du khách thưởng ngoạn. Ở những dấu tích trên rất cần đặt những bảng kỷ niệm và thông tin lịch sử. Đó cũng là cách lưu danh trân trọng những tên gọi xưa như: Bến Nghé, Bến Ngự, Gia Tân, Thủy Các, Cây Bàng, Thủ Ngữ, Thủ Thiêm... Cũng có thể sử dụng không gian bên trong và bên ngoài Cột Cờ Thủ Ngữ và các cầu tàu xưa làm nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử liên quan đến lịch sử khai phá và phát triển của Sài Gòn - Gia Định xưa.
Dọc theo bờ sông vẫn nên duy trì một số hoạt động bến tàu và bến đò phục vụ đi lại và du lịch như nét sinh hoạt vốn có của một cảng thị, vào những thời điểm nhất định và ở những vị trí nhất định.
Ở Singapore, điều cuốn hút du khách không chỉ là những công trình to lớn, hiện đại mà còn là những cây cầu sắt có niên đại hàng trăm năm, hay những công trình kiến trúc cổ xưa in đậm dấu ấn lịch sử. So với thành phố bạn, Sài Gòn vẫn còn rất nhiều di sản độc đáo và giá trị hơn. "Tài nguyên lịch sử" là thứ tài sản vô giá, nếu biết khai thác thì sẽ mang lại những giá trị vô cùng lớn...