Trên nghị trường cũng "chém gió", đại ngôn
- Văn hóa - Giải trí
- 18:22 - 04/06/2015
Điều đáng ngại việc “chém gió”, “rung cây dọa khỉ”, “thỏ mượn oai hùm” cho nó sợ, vô thưởng vô phạt không chỉ diễn ra ở ngoài xã hội, mà còn len lỏi vào các nghị trường quan trọng.
Ngày 1/6, tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà cho rằng: “Một chuyên viên của Văn phòng Chính phủ to hơn cả đồng chí thứ trưởng, thậm chí có vị trí cao hơn cả một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng.
Bởi các dự án, báo cáo được trình Chính phủ hay không là do đồng chí chuyên viên đó trình”. Phát biểu trên ngay lập tức được một số báo đăng tải, có báo còn giật tít: “Chuyên viên Văn phòng Chính phủ to hơn bộ trưởng?”. Nghe thật kinh khủng, nhưng sự thật có đúng như đại biểu Chu Sơn Hà phát lại thuộc về những câu chuyện khác.
Nói như đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà, ngay thông tin ở bộ máy thượng tầng, cấp chính phủ, cấp bộ, một vị chuyên viên Văn phòng Chính phủ cũng có thể ngăn cản, gây nhiễu. Báo cáo, dự án của bộ trình lên Chính phủ được, hay không, nhanh hay chậm nằm trong tay chuyên viên. Thưa với đại biểu Chu Sơn Hà, nếu đúng như lời ông nói, thời đại ta đang sống lạc hậu và hoang dại quá.
Ông Trần Đình Bá.
Không rõ, ông không biết hay cố tình không biết, không phải bây giờ mà hàng chục năm trước, người ta đã bàn luận về thế giới phẳng, một trái đất không còn biên giới quốc gia, bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ, nhất là của công nghệ thông tin.
Thực tế công nghệ thông tin đã len lỏi vào tận nhà người Việt. Chẳng riêng gì thành phố mà ở nông thôn máy vi tính cũng là “vật bất ly thân” của nhiều người. Chương trình “Chuyển động 24h” của Đài Truyền hình Việt Nam mới đây đưa tin, những người mẹ ở làng trẻ SOS Nghệ An mong có máy vi tính cho các con.
Thông tin trên cho thấy khoa học công nghệ bùng nổ khắp nơi, vậy mà vị đại biểu Quốc hội lại ngại chuyên viên văn phòng bưng bít thông tin. Quan niệm ấy thuộc về cái thời ngăn sông cấm chợ, thời tự cung tự cấp, đèn nhà ai nhà ấy rạng,... đã rất xa, rất xưa lắm rồi.
Vấn đề trên có thể nhiều người cho là chuyện nhỏ, bởi hiểu biết cũng người thế này, người thế nọ. Nhưng không phải là chuyện nhỏ đối với những người xây dựng pháp luật, có quyền biểu quyết thông qua các dự án luật. Một văn bản luật không phải phản ánh, điều chỉnh, xử lý các quan hệ của đời sống xã hội ngày hôm qua, hay hiện tại mà còn mang tính dự báo, sống với tương lai.
Một số luật của ta “chết yểu” là do chỉ phù hợp với những thời đã qua, không dự báo được sự phát triển của chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như đời sống xã hội, nhất là sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Thưa với đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà, một phó chủ nhiệm, hay chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn gặp muôn vàn khó khăn khi có ý định bưng bít thông tin với công dân, thì chuyên viên có “ăn hàng tấn gan trời’, có “phép thần thông biến hóa” cũng không thể to hơn thứ trưởng, bộ trưởng được. Xin đại biểu nhớ cho bây giờ đang ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21.