CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Dung dị bánh đa cua Hải Phòng

 

Món bánh đa cua Hải Phòng luôn hấp dẫn mọi người.

Chính vì vậy mà khi đi đến các miền quê khác lập nghiệp, nhiều người con gốc gác Hải Phòng đã mang theo món này để mưu sinh cũng như làm cho danh mục ẩm thực của vùng miền mình tới thêm phong phú.

Với Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi đã có quá nhiều món ăn ngon, thế nhưng sự hiện hữu của món canh bánh đa cua Hải Phòng vẫn có một chỗ đứng nhất định, khi nhiều người dân đón nhận một cách nhiệt tình. Thế nhưng, theo như một người dân gốc Hải Phòng, bà Lê Thị Hoan, năm nay 62 tuổi, người đã có thâm niên bán món canh bánh đa này gần 40 năm ở phố Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết thì mới đầu du nhập vào Thủ đô, món canh này chỉ chế biến theo nguyên bản “gốc” của Hải Phòng, nghĩa là chỉ có nước dùng canh cua, bánh đa đỏ, rau muống, rau giá, rau rút, hành khô phi mỡ, và chả cá.

Các nguyên liệu như vậy làm nên một món ăn đã là ngon, xong dường như người Hà Nội có khẩu vị thưởng thức “sành” hơn, đòi hỏi sự cầu kỳ, nhiều nguyên liệu nêm nếm hơn, vì vậy nó đòi hỏi những người bán món ăn này cũng phải suy nghĩ để làm sao đó cho món bánh canh ngày một ngon và hoàn thiện hơn. Bà Hoan Kể: “Sau khi nghiên cứu, cũng như tham khảo khẩu vị của nhiều khách hàng, tôi đã cho thêm một số nguyên liệu.

Nồi nước dùng vẫn là chế biến bằng cua, nhưng không như người Hải Phòng hay dùng cua đông lạnh, mà nhất thiết phải là cua đồng tươi. Nồi nước dùng cua không chỉ đặc hơn bởi chế biến một lượng cua nhiều hơn, mà nó còn được pha chế thêm nước xương ống lợn cho ngọt ngào. Các nguyên liệu thêm vào khác cũng rất đáng kể như: giò tai cuộn, thịt bò, đậu phụ cắt nhỏ chiên vàng…”.

Người Hà Nội chế biên món bánh đa cua Hải Phòng theo cách riêng của mình.


 Trải qua năm tháng, chẳng riêng gì một ai, mà hết thảy những người kinh doanh món bánh canh này, dẫu là người Hải Phòng gốc, hay người ở nơi khác tới Hà Nội lập nghiệp cũng đều phải theo thị hiếu của người thưởng thức mà “biến tấu”,… nâng tầm món ăn này lên. Chị Nguyễn Thị Nga, một người quê Nam Định, nhưng cũng có hơn 20 năm bán món bánh canh này tại ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm nói rằng, không chỉ khách cảm nhận được vị ngon, sự hấp dẫn của món ăn sau khi đã thêm vào nhiều nguyên liệu, so với nguyên bản gốc của món này của Hải Phòng, mà chính những người bán cũng tự cảm nhận thấy điều đó.

Tôi là một người đi nhiều, và cũng đã rất nhiều lần thưởng thức món này tại các hàng bán bánh canh cua tại gần nhà hát thành phố Hải Phòng, thì thấy quả là món này giờ đây ăn ở Hà Nội ngon hơn. Sự so sánh có vẻ hơi khập khiễng khi một bên là ít nguyên liệu hơn, trong khi một chỗ cho thêm nhiều nguyên liệu hơn, và cũng có vẻ mang tính… đề cao, xong phải thực lòng nói vậy. Chỉ nói riêng tới nồi nước dùng, việc có thêm nhiều xương ống ninh cùng, và chế biến với một mức độ đậm đặc cua tươi hơn thì khi ăn ai cũng cảm nhận được nước thơm ngọt đến nhường nào!

Rồi nữa, thịt bò tươi chần tái, mấy lát đậu phụ chiên vàng bỏ thêm vào tô bánh canh cũng thêm phần hấp dẫn thị giác, và chắc chắn cũng là vị giác của người thưởng thức. Thêm nữa, không chỉ biến tấu trong món canh bánh đa chan nước, nhiều người kinh doanh món này còn làm cho người ăn thích thú hơn, đôi khi muốn đổi món bằng món bánh đa trộn, miến trộn.

Cũng vẫn các nguyên liệu là: bánh đa đỏ( hoặc miến dong), rau muống chần chín, rau giá chần, rau rút, thịt bò chần, đậu phụ chiên vàng, lạc rang giã nhỏ, hành khô phi mỡ, giò tai cuốn, chả cá, được nêm chung vào tô, thay vì chan nước dùng, tô bánh được tưới chút magi, dấm tỏi, mì chính, gạch cua. Trước khi thưởng thức, người ăn dùng đũa đảo đều lên cho các nguyên liệu cùng gia vị ngấm đều. Món bánh đa trộn ăn khô không cần nước này cũng có vị ngon, sức hấp dẫn riêng, nó phù hợp với những khách không thích ăn nước, hoặc đôi khi ăn bánh canh chan nước ngán rồi, muốn đổi sang ăn bánh trộn cũng thấy thú vị vì lạ miệng…

Hiện nay, ở Hà Nội món bánh đa cua Hải Phòng được bán ở không chỉ ở nội thành và cả nhiều khu vực ngoại thành, và người ta khó lòng thống kê nổi với một con số chỉ là tương đối, xong chỉ có thể nói rằng nó quá nhiều. Món ăn này không đắt hơn phở, khi chỉ cỡ đương đương từ 25-35.000 đồng/tô, và là món ngon dễ ăn, hợp với nhiều người.

Món có thể dùng ăn sáng, ăn trưa, cũng như ăn vặt trước bữa chính vài tiếng đều hợp cả. Có một điều tôi nhận thấy là, khi “di cư” vào Hà Nội, và dẫu có biến tấu rất nhiều trong cung cách chế biến, nêm nếm nguyên liệu, gia vị so với “nguyên bản gốc”, xong món canh bánh đa cua hấp dẫn này vẫn không thể tách xa được tên địa danh thành phố cảnh Hải Phòng- nơi đã gắn liền với sự ra đời của nó.

Nguyễn Việt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh