THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

Đừng để Quảng Ninh… bơ vơ

 

Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Long, giải thích mấy lý do, trong đó tập trung vào hai vấn đề: vay của Trung Quốc, mình sẽ bị bắt chẹt những điều kiện có lợi cho họ về lãi suất, công nghệ, máy móc, nhà thầu. Tỉnh có thể kêu gọi các nhà đầu tư trong nước theo hình thức BOT, với vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước là 30%, còn lại là vốn của nhà đầu tư. Cũng theo ông Long, nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề và tỉnh đang xem xét, nhận thấy hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư; tỉnh đang hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án với tính khả thi cao.
Ngỡ ngàng, bởi chẳng ai ép Quảng Ninh phải lặn lội đi tìm tiền, mời nhà đầu tư rồi loay hoay giải bài toán tiền bạc, thi công; bởi nếu tỉnh không có ý kiến gì, thì trước sau cũng có tiền từ khoản vay ODA này, vì sáu năm trước, Chính phủ hai bên đã đồng ý. Không dưng gánh cực vào thân, nhưng cái khoát tay từ chối này là hành động dũng cảm và đầy tự trọng, đầy trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.
Dư luận khen Quảng Ninh, bởi ODA đang là mối quan tâm đặc biệt, khi con số nợ công đã lên ngất ngưởng, vốn vay nước ngoài cứ chồng chất, không kiểm soát được. Người ta ước tính, mỗi đứa trẻ sinh ra trong thời điểm này đều phải cõng 1.000 USD nợ công. Nợ triền miên, nợ chồng nợ. Bao lời cay đắng đã được thốt lên từ giới quản lý, chuyên gia, đại biểu Quốc hội, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ kia, nhưng nào có được phanh lại để tìm cách tháo gỡ. Không những vậy, còn xuất hiện sáng kiến… vay tiếp, với luận điểm “ODA của ai không quan trọng, vấn đề là điều kiện vay ra sao”.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Xin thưa, bài học xương máu từ các khoản vay ODA Trung Quốc đang chình ình ra đó. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (do Trung Quốc làm tổng thầu, với nguồn vốn ODA Trung Quốc) kéo dài lê thê, bao lần gây tai nạn cho người đi đường, đội mức tổng đầu tư lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu. Dù năng lực nhà thầu yếu, lãi suất cao, công nghệ lạc hậu, nhưng ta chẳng phạt họ được vì thiếu ràng buộc pháp lý; khoản tiền đội lên, ta lại phải tiếp tục vay của họ.
“Quả đắng” vay ODA từ Trung Quốc chưa dừng lại ở giao thông đâu, nó lấn qua nhiều lĩnh vực khác. Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 18 liên tiếp; bô xít Tây Nguyên, rồi dự án mở rộng Nhà máy thép Thái Nguyên gần 4.000 tỷ đồng, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành vì hết tiền và bị nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) bỏ rơi.
Các chuyên gia cũng cảnh báo: hiện Trung Quốc đang dư thừa thép và xi măng. Họ sản xuất 1.200 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng chỉ sử dụng trong nước khoảng 600 triệu tấn, còn lại phải xuất khẩu. Trung Quốc cho Việt Nam vay tiền ODA với điều kiện Việt Nam phải dùng nhà thầu, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu của họ. Tóm lại, hễ cái gì có Trung Quốc nhúng tay vào, là... tè le hột me ra đó!
Nói mãi, nhưng họ vẫn “cứ vay rồi con cháu trả”. Con cháu ai, nếu không phải là dân, bởi các quan chức khi quyết định ký vay nợ đâu có bận lòng cho tương lai con cháu họ, và tương lai con cháu trả cũng không dễ khi mà gia sản cha ông để lại đã cạn kiệt. Không có tiền thì phải vay để làm ăn, nhưng vay thì phải trả được, đồng tiền vay phải hiệu quả, đó là tính toán khôn ngoan trong làm kinh tế.
Chuyện từ chối của tỉnh Quảng Ninh, có thể khiến không ít vị thất vọng, bởi miếng bánh ODA là dễ gặm nhất như lâu nay nhiều người đã nói. Khi Chính phủ hô hào tiết kiệm, siết chi tiêu, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước làm ăn, thì hành động trên có thể là cụ thể hóa sinh động chủ trương này. Lần đầu tiên có một địa phương lắc đầu từ chối ODA Trung Quốc (mà mang nợ kinh tế với Trung Quốc, đâu chỉ đơn thuần là chỉ dính dáng tiền bạc), tuyên bố làm được từ nguồn lực trong nước, trong tỉnh, sao không dành cho họ một tràng vỗ tay? Và các địa phương, bộ ngành, thử ngẫm lại đi, xem mình có làm được như vậy không? Đừng để Quảng Ninh phải… bơ vơ, dù rất dũng cảm!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh