THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:11

"Đừng để công an, kiểm lâm có súng cũng như không"

Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng có một vấn đề chưa được đề cập trong báo cáo mà theo ông đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội, đó là vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, nhân dân. 
"Vấn đề này tác động tới môi trường đầu tư kinh doanh, công bằng xã hội, hiệu quả quản lý Nhà nước và mọi mặt đời sống của nhân dân. Một quốc gia muốn phát triển kinh tế xã hội vững chắc phải có thể chế tốt, nguồn nhân lực chất lượng, ý thức chấp hành pháp luật. Khi thảm họa xảy ra ở Nhật, nhiều người cho rằng nước Nhật sẽ không bị rối loạn và mau chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế của Nhật, mà còn ở ý thức chấp hành pháp luật của người dân nước này. Hãy nhìn lại chúng ta, so với các nước, không nói đâu xa, so với thời bao cấp, ý thức chấp hành pháp luật đi xuống tới mức báo động", đại biểu Nguyễn Mạnh Cường so sánh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường.

Vị đại biểu hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng kỷ cương lại không theo kịp. 
"Điều nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là điều rất bình thường còn người chấp hành pháp luật, ví dụ như dừng xe chờ đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông lại bị nói là... hâm.  Người Việt ra nước ngoài chấp hành luật rất nghiêm túc nhưng khi quay về Việt Nam lại vi phạm. Ngược lại, người nước ngoài khi đến Việt Nam một thời gian thì cũng vi phạm như người bản địa. Rõ ràng, không chỉ có lỗi của người vi phạm mà còn là bất cấp, yếu kém trong quản lý Nhà nước", Đại biểu Cường nhìn nhận và cho rằng, việc không tuân thủ pháp luật từ việc đơn giản đã tác động đến ý thức chấp hành pháp luật ở những lĩnh vực khác. 
Kiến nghị giải pháp khắc phục vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền, chăng băng-rôn, khẩu hiệu hô hào không thôi là chưa đủ, mà phải có giải pháp đồng bộ như ban hành phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: "Ban hành pháp luật phải sát với thực tiễn. Ví dụ, cấm đi bộ dưới lòng đường thì phải có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè, cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng… Vi phạm pháp luật mà không xử lý thì sẽ dẫn tới nhờn pháp luật, phải kiên quyết xử lý".
"Hãy trao đủ thẩm quyền cho người thi hành công vụ và phải bảo vệ khi họ làm đúng. Đừng để kiểm lâm, công an có súng cũng như không, không dám bắn tội phạm đang dùng vũ khí đe dọa họ. Đồng thời với việc trao quyền phải xử lý nghiêm khắc những người lạm quyền. Đây là kinh nghiệm từ việc tổ chức thực hiện thành công việc cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm – những việc tưởng chừng như không thể làm nổi", Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lưu ý.
"Đất nước đang hội nhập kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch, tăng năng suất lao động, chống tham nhũng lãng phí… đòi hỏi chúng ta hơn lúc nào hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống. Nếu không, chúng ta sẽ mãi tụt hậu so với thế giới", Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chốt lại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh