CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Đừng “bốc” tài năng nhí lên mây

 

Nhưng bên cạnh sự mến mộ đối với các em, thì công chúng cũng nhận thấy một vài vị giám khảo đã có những đánh giá, nhận xét thái quá, không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, vô hình chung tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý của các em.  Xin được nêu ra đây vài trường hợp: Hồi 14 giờ 45 ngày 5/5/2016 chương trình chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt” trên VTV3, bé gái Quỳnh Anh 12 tuổi hát rất hay bài dân ca Nghệ - Tĩnh. Giám khảo Trấn Thành nhận xét, đánh giá về bé: “Chất giọng, tiếng hát của cháu, lẽ ra phải được phát ra 30 năm sau, khi cháu 42 tuổi. Cháu hát quá tuyệt vời, không còn gì để nói nữa!”

Đến tiết mục đánh trống của bé Trọng Nhân. Cùng song hành biểu diễn với cháu còn có nghệ sĩ trống Quốc Bình.  Giám khảo Trấn Thành khen Trọng Nhân: “Cháu không phải là một thiên tài bình thường. Cháu đã làm được một việc mà chú Quốc Bình phải giành gần nửa cuộc đời mình mới có. Cháu là một nhân vật hy hữu”. Còn giám khảo Việt Hương thì nói: “Mấy ông trước cũng nổi tiếng, nhưng bây giờ (ý nói có cháu xuất hiện) thì... dẹp luôn. Cháu là một trong những người nhất Việt Nam”. Cũng cách nhận xét, đánh giá như vậy, 2 giám khảo Trấn Thành, Việt Hương còn so sánh tiết mục “Nguyệt cô hóa cáo” của bé gái 7 tuổi Hương Giang, với những nghệ nhân tuồng già đời, lão luyện, và gọi Hương Giang là “một hiện tượng”  “vô cùng đẳng cấp” v.v...

Đâu phải chỉ riêng mấy vị giám khảo, mà hết thảy mọi khán giả màn ảnh nhỏ cũng đều phấn khởi, tự hào vì con người Việt Nam đã phát triển toàn diện, đúng với quy luật mà cha ông ta đã đúc kết qua nhiều đời (trong câu tục ngữ): “Con hơn cha là nhà có phúc”. Bởi thế, chuyện các cháu bé sớm phát lộ tài năng cũng là điều bình thường, dễ hiểu, đâu phải chuyện gì ghê gớm, ngoài sức tưởng tượng mà mấy vị giám khảo phải dùng đến những ngôn từ còn hơn cả “lộng ngôn” như vậy!

Cần nhớ rằng, sự nghiệp “trồng người”, ngoài việc đào tạo, trang bị kiến thức chuyên môn thì nhiệm vụ bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nhân cách, lối sống cho các cháu cũng vô cùng quan trọng.  Tâm hồn trẻ thơ giống như tờ giấy trắng, bởi vậy sự khen, chê đối với các cháu phải hết sức thận trọng. Khen, chê đúng sẽ tạo đà cho sự phát triển tài năng, ngược lại khen, chê không đúng có thể làm hại, thui chột tài năng, nếu các cháu nhiễm phải thói tự cao, tự đại hoặc bi quan mất niềm tin. Từ chuyện này, tôi lại nhớ đến câu nói của TSKH Đoàn Hương: “Lời nói trên truyền hình cần chừng mực và sâu sắc”.

Cũng cùng là giám khảo cuộc thi này, nhưng nhạc sĩ Huy Tuấn lại có những nhận xét, đánh giá đối với các cháu hoàn toàn khác với 2 giám khảo Trấn Thành và Việt Hương. Với cháu Quỳnh Anh, ông nhận xét: “Giọng hát của cháu thậm chí còn đằm thắm, ngọt ngào”.

Với bé Trọng Nhân: “Cháu biểu diễn quá suất sắc! Ai muốn trở thành quán quân của cuộc thi này, phải vượt qua cháu”. Và với bé Hương Giang 7 tuổi: “Cháu diễn mà chú cứ tưởng như có ai nhập vào cháu!”. Lời nhận xét của giám khảo Huy Tuấn với các cháu, theo tôi rất đúng mực.  Không chỉ ở chương trình trên mà qua theo dõi, tôi còn thấy ở một số chương trình khác như “Thần tượng âm nhạc nhí, tiếng hát Đồ-Rê-Mí” cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Mong rằng những người có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ trước khi phát sóng, nhằm hạn chế tối đa tình trạng phát biểu ngẫu hứng, thiếu chọn lựa của những người làm công tác truyền hình. Mặt khác cũng cần phải trang bị cho họ một “phông” văn hóa cần và đủ khi tác nghiệp, và xây dựng một tiêu chí có tính chuẩn hóa về chuyên môn cho đội ngũ này.   

NGUYỄN VĂN CỰ/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh