THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:45

Dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại

Phân loại dự án theo mức độ tác động môi trường: Không ổn

Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hôm nay 24/10.

Dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa)

Về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường quy định tại khoản 1 Điều 29, theo đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa), khoản này thì các dự thảo trình kỳ họp thứ 9 đều sử dụng cách phân loại dự án theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư PPP.

"Nhưng tại kỳ họp 10 thì Ban soạn thảo lại chuyển sang cách phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường và trong đó có điểm c khoản 1 Điều 29 có sử dụng những yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại thì tôi thấy không ổn", ông Diến nêu quan điểm.

Ông đề nghị phương án 1 được quy định tại Điều 30 của dự án luật thì tất cả các dự án đầu tư đều phải có chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công PPP và Luật Đầu tư và phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Đồng thời, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung trong dự thảo luật "quy định các dự án đầu tư có nguồn vốn từ tư nhân, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng lại có tác động lớn đến môi trường thì vẫn phải được các cơ quan chức năng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường", ông Diến nhấn mạnh.

Dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình)

Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Chuẩn lại chọn phương án mới, tức là phân loại dự án theo tiêu chí tác động đến môi trường do phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, thuận lợi và đơn giản cho việc xác định đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường.

Cho rằng đây là chủ trương được đa số người dân ủng hộ cần triển khai thực hiện, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nhìn nhận, dự thảo luật quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2025, thì là "quá lâu".

Còn theo đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) thì quy định về phân loại lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại dự thảo là chưa bảo đảm tính khả thi.

Dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại

Lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi)

Về giấy phép môi trường, nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1, là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp.

Về việc dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, Chính phủ cho rằng, sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.

Đồng tình với phương án 1, tức là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xác định 1 loại giấy phép môi trường cũng thể hiện đúng thẩm quyền là giao cho một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Đồng thời, theo bà Hoa, cũng sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do hai cơ quan quản lý cấp.

"Nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là một xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt", đại biểu nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Hoa, để bảo đảm chặt chẽ thì cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép, "tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện", nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp lưu ý.

Cũng liên quan đến đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, nên xác định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường.

Đồng thời căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm có nguy cơ gồm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Quy định như vậy, theo ông Tuân, sẽ bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.

Cùng với đó "bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường", đại biểu Tuân nhấn mạnh.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh