Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trở lại Việt Nam sau 4 năm
- Văn hóa - Giải trí
- 10:25 - 27/01/2023
Ngày 26 tháng 1, tức mồng 5 Tết Xuân Quý Mão, Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã tới thăm chùa Phật Tích là điểm đến đầu tiên trên hành trình du hóa của Ngài tại Việt Nam sau hơn 4 năm nhập thất.
Sáng mồng 5 Tết, theo lời mời của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội PGVN, Trụ trì chùa Phật tích, Đức Pháp Vương cùng Tăng đoàn gồm 40 vị Tăng sĩ cao cấp của Truyền thừa Drukpa, đã đến thăm chùa Phật Tích, một ngôi chùa cổ mang đậm dấu ấn Phật giáo đời Lý của Việt Nam tại huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Trong thời pháp ngắn nhưng đầy cảm xúc lắng đọng, Đức Gyalwang Drukpa cho biết Ngài vô cùng hoan hỷ khi chọn Việt Nam là đất nước đầu tiên để tới thăm sau bốn năm rưỡi nhập thất bế quan. Ngài chia sẻ rằng Giáo pháp của Đức Phật không phải là sự thuyết giảng suông mà là sự truyền cảm từ tâm đến tâm. Ngài luôn cảm nhận sự truyền cảm kết nối tâm linh này với người dân Việt Nam, nên ngôn ngữ khác biệt chưa bao giờ là rào cản.
Ngài cũng chia sẻ thêm về bí quyết để sống hạnh phúc, đó là “cần có trí tuệ để nương tựa vào giáo pháp để chuyển hóa cuộc sống của mỗi người. Hàng ngày, tâm cứ mải toan tính lo nghĩ quá nhiều khiến ta cạn kiệt, bị đau ốm bệnh tật, bởi vậy, chúng ta cần dành cho tâm mình những khoảng lặng, thực hành thiền định để trí tuệ được khai mở, từ đó có được đời sống hạnh phúc”.
Cuối buổi viếng thăm, Pháp Vương và Tăng đoàn đã trì tụng cầu nguyện vì quốc thái dân an và đã trao tặng bức Thangka – Tranh đá quý Thất Phật Dược Sư cho Thượng tọa Thích Đức Thiện thay cho lời cầu nguyện sức khỏe và sự trường thọ tới vị trụ trì chùa Phật Tích cũng như toàn thể người dân Việt nam.
Trong các ngày từ mồng 6 tới mồng 8 Tết, Pháp vương cùng Tăng Đoàn sẽ cử hành Đại lễ cầu An đầu Xuân trong lễ hội Đại Bi Quan Âm cầu nguyện quốc thái dân an tại Đại Bảo Tháp Mandala TâyThiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Trong khuôn khổ Đại pháp hội này, Đức Gyalwang Drukpa cũng sẽ chủ trì Đại đàn cầu an gia trì cho tất cả các phật tử, du khách hành hương có phúc duyên tham dự, cùng nhiều nghi lễ quán đỉnh, gia trì tâm linh quan trọng theo đúng truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa.
Trước đó, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều 25/1, chư Ni Tây Thiên tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh "Pháp Vũ Rồng Thiêng” với sự hiện diện của Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa, để chào đón sự trở lại Việt Nam của Đức Gyalwang Drukpa trong Đại Pháp Hội cầu an đầu xuân tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (từ ngày mùng 6 - 8 Tết Quý Mão.)
Triển lãm đồng thời đánh dấu mối pháp duyên 15 năm của Ngài với người dân và Phật tử Việt Nam. Du khách được chiêm ngưỡng 324 tác phẩm đặc sắc, gồm nhiều bức ảnh và tư liệu lịch sử quý hiếm, qua 15 nhóm chủ đề, ghi lại những khoảng khắc ý nghĩa và đáng nhớ của Ngài và Tăng đoàn trên hành trình này, từ lần đầu viếng thăm đích thân gieo hạt giống Bồ đề của Truyền thừa giác ngộ đến sự phát triển hòa nhập của Phật giáo Kim Cương thừa hiện nay tại Việt Nam.
Thượng toạ Thích Thanh Lâm, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại lễ Khai mạc triển lãm: “Tôi tin rằng nhiều người trong số chúng ta sẽ tìm được rất nhiều hình ảnh đẹp về Đức Gyalwang Drukpa, được sống lại những kỷ niệm rất đẹp của các kỳ Pháp hội và hoạt động Phật sự của Ngài và Tăng đoàn tại Việt Nam, cảm nhận được tình cảm của Ngài với Phật tử người dân Việt Nam cũng như sự chí thành tôn kính của nhân dân và Phật tử Việt Nam với Ngài.”
Trong mối nhân duyên với đất nước và con người Việt Nam, Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ: “Suốt 15 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong trái tim và là điểm đến đặc biệt ý nghĩa với chúng tôi. Người dân nơi đây yêu chuộng hoà bình và luôn mong nguyện một cuộc sống hạnh phúc bình an trong tình yêu thương và sự sẻ chia. Đó là nhân duyên tốt lành khiến tôi thấy vô cùng gắn bó với đất nước và trân trọng người dân Việt Nam”.
Đức Gyalwang Drukpa là lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa Drukpa, khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ Ấn Độ. Ngoài trọng trách lãnh đạo tâm linh này, Ngài còn là một danh nhân thế giới, một tác giả, nhà hoạt động môi trường, cứu trợ nhân đạo, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới và truyền cảm hứng cho giới trẻ.
Những nỗ lực không mệt mỏi và đóng góp của Ngài được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý như cúp “Anh hùng xanh”, giải “Thành tựu trọn đời” của Chính phủ Ấn Độ, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ vùng Himalaya” từ Liên minh quốc tế Bảo vệ Nguồn nước. Tháng 9 năm 2010, Ngài được Liên Hiệp Quốc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”, tôn vinh những tổ chức và cá nhân đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp Phát triển Thiên niên kỷ trên phạm vi toàn cầu.
15 năm qua, với tâm nguyện đóng góp vào sự phát triển Phật Pháp vì lợi ích của người dân hữu tình Việt Nam, Ngài đã nhiều lần từ bi quang lâm, cử hành các Đại Pháp Hội quán đỉnh cộng đồng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, nạn nhân thiên tai dịch bệnh, chia sẻ Phật Pháp, hướng đạo về kiến trúc và nghệ thuật Mandala, đóng góp tích cực cho sự phát triển Đại thừa - Kim Cương Thừa Phật giáo, khơi nguồn cảm hứng giác ngộ tới đông đảo Phật tử và người dân Việt Nam.