THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:00

Đưa tin xâm hại trẻ em, không được gây tổn hại cho nạn nhân

Không thận trọng báo chí sẽ vi phạm Quyền trẻ em

Chia sẻ tại Tọa đàm Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Góc nhìn người trong cuộc do Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, ông Đặng Hoa Nam – Cục Trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện nay có một số cơ quan báo chí khi tiếp cận vấn đề liên quan trẻ em chưa có hiểu biết cụ thể và đúng về trẻ em dẫn đến quá trình tác nghiệp có sai sót, làm ảnh hưởng cuộc sống trẻ em và gây tổn hại tới đời sống cá nhân và tinh thần các em. Như vậy, nếu không cẩn trọng, thì báo chí có thể sẽ vi phạm quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ trẻ em.

Cục Trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam: Báo chí phải đưa tin tích cực nhằm mục đích lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

 

Ông Nam cũng cho biết rằng nhiều cơ quan báo chí đã bỏ qua Điều 51 Luật Trẻ em khi tác nghiệp. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Vì thế, bên cạnh việc thông tin lên báo chí, cơ quan báo chí hoặc nhà báo có trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em ngay cho cơ quan có thẩm quyền.

“Báo chí phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin sai lên mặt báo. Báo chí là cơ quan tiếp nhận thông tin từ phía người dân, từ xã hội. Khi có thông tin thông báo về các vụ việc, hành vi, hiện tượng về bạo lực xâm hại ttrẻ em thì cơ quan báo chí phải lập tức triển khai 2 nhiệm vụ. Một là nhiệm vụ của cơ quan tổ chức, chuyển ngay thông tin đó đến cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em để họ tiếp nhận, xử lý. Thứ 2 là phải xử lý để đưa lên phương tiện truyền thông. Nhưng tôi nhấn mạnh là phải đưa tin một cách tích cực nhằm mục đích lợi ích tốt nhất cho trẻ em và trách nhiệm xã hội làm sao giảm bớt tổn hại cho trẻ em một cách tốt nhất", ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam, lấy ví dụ, thời gian qua nhiều cơ quan báo chí đưa tin về các vụ xâm hại trẻ em, dù đã viết tắt tên nhưng lại ghi rõ địa chỉ đến từng xóm, ấp. Báo chí đưa tin như thế là đã vi phạm nguyên tắc bảo vệ quyền bí mật đời tư của trẻ em. Cần có biện pháp chế tài những tờ báo đưa tin kiểu này.

Ông Đặng Hoa Nam cho hay một số gia đình có trẻ bị xâm hại đã gọi điện thoại đến cơ quan chức năng kêu cứu, nhờ can thiệp để các báo gỡ bài. Nhiều tờ báo bày tỏ bảo vệ quyền lợi trẻ em nhưng lại nêu các thông tin rất rõ về nạn nhân khiến mọi người xung quanh bàn tán, dị nghị. Có báo giấu tên, giấu địa chỉ thì lại… đăng ảnh nhà của nạn nhân.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng những hình ảnh, đoạn phim quảng cáo không phù hợp với trẻ em cũng phải được gỡ bỏ trên các phương tiện truyền thông. Vừa qua, một mẩu quảng cáo trên VTV và nhiều kênh khác đưa hình ảnh hai diễn viên xiếc để hai em bé đứng trên hai bàn tay của mình. Ông nói: “Dù có cảnh báo là không nên làm theo nhưng nó vẫn gây ấn tượng quá mạnh, rất nguy hiểm với người xem quảng cáo, nhất là trẻ em. Chúng tôi sẽ kiến nghị phải gỡ bỏ quảng cáo này”.

Giảm bớt tổn hại cho trẻ bị xâm hại

Chia sẻ tại tọa đàm, chị L. (cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian qua trên địa bàn chị có một em học sinh bị tai nạn, xây xước vùng kín, người nhà nghi em bị xâm hại. Một số cơ quan báo chí đã dồn dập truy vấn người làm công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có chị. Dù chị đề nghị báo phỏng vấn người có thẩm quyền phát ngôn nhưng một tờ báo đã quy kết chị là “làm công tác bảo vệ trẻ em nhưng không nắm về vụ việc”. Điều đó khiến chị càng “sợ” báo chí. Dù sau đó công an, bác sĩ đều kết luận bé không bị xâm hại nhưng báo chí vẫn đưa tin như là một vụ xâm hại nghiêm trọng.

Còn cô giáo LVT (phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều tờ báo xem thầy cô giáo như “đối tượng”, nhiều tin tức về trẻ em trong bối cảnh giáo dục bị “làm quá” đã gây hoang mang lớn cho xã hội. Đó cũng là lý do khi trường A bị lên báo, trường B sẽ ngay lập tức họp lại để đối phó với truyền thông. Cuối cùng các bên chỉ loay hoay giải quyết khủng hoảng truyền thông để “cứu” người lớn chứ không nhằm bảo vệ trẻ em trong câu chuyện đó.

Việc đưa tin, viết bài về những vụ việc xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ của báo chí, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn đối với người cầm bút. Báo chí phải đưa tin một cách tích cực nhằm mục đích lợi ích tốt nhất cho trẻ em để giảm bớt tổn hại cho các em.

HẰNG LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh