THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

Đưa những chính sách của Bộ luật Lao động đi vào đời sống

Tham dự và điều hành hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, đáp ứng những đòi hỏi mới của việc quản trị thị trường lao động đang phát triển và thay đổi nhanh chóng; đồng thời thực hiện những cam kết quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập của Việt Nam, đảm bảo phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.

Tuyên truyền để những chính sách của Bộ luật Lao động mới đi vào đời sống người lao động - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đối thoại và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, là nhu cầu tự thân, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động, tạo nên sức mạnh của tổ chức Công đoàn, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp. Thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

"Để những chính sách của Bộ luật Lao động 2019 đi vào đời sống của người lao động có hiệu quả thì phải tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ tích cực cho người lao động", Thứ trưởng yêu cầu.

Thông qua hội nghị, các đại biểu nắm được những nội dung của Bộ luật Lao động 2019 để tuyên truyền, hướng dẫn các cấp cơ sở nắm vững pháp luật mới nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật và tham gia bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại đơn vị, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) đã triển khai các quy định mới của Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, những bổ sung lớn của Bộ luật Lao động về quan hệ lao động; một số nội dung mới về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và tình hình thực hiện; bảo đảm quyền của người lao động khuyết tật; thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019; tiền lương trong bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Tuyên truyền để những chính sách của Bộ luật Lao động mới đi vào đời sống người lao động - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị.

Sau đó, các đại biểu đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Băn khoăn về bổ sung mới về hợp đồng lao động, đại diện Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH An Giang) cho biết: Người lao động nghỉ liên tiếp 5 ngày làm việc có được coi là đơn phương trái pháp luật hay không? Nếu doanh nghiệp chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không có quyền yêu cầu bồi thường, phạt thời hạn báo trước sẽ dẫn đến người lao động nghỉ vô lý do, ảnh hưởng tới sản xuất.

Về nội dung này, bà Phạm Thị Thanh Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Với trường hợp này, doanh nghiệp cần xác định xem người lao động đó có mong muốn chấm dứt hợp đồng lao động hay không. Nếu xác định được người lao động có mong muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động được quyền yêu cầu bồi thường. Nếu người lao động không có mong muốn chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc trường hợp có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động sẽ có quyền sa thải hoặc đàm phán với người lao động.

Tuyên truyền để những chính sách của Bộ luật Lao động mới đi vào đời sống người lao động - Ảnh 3.

Đại biểu trao đổi, giải đáp thắc mắc tại Hội nghị.

Ngoài ra, các đại biểu cũng băn khoăn về việc: Thời gian tập nghề có phải tham gia BHXH bắt buộc không? Có được tính vào thời gian làm việc để hưởng trợ cấp thôi việc không?

Với nội dung này, bà Phạm Thị Thanh Việt khẳng định: "Thời gian tập nghề, học nghề không phải tham gia BHXH bắt buộc" vì người học nghề, tập nghề không phải là người lao động nên không phải tham gia BHXH bắt buộc và thời gian tập nghề, học nghề không được tính vào thời gian làm việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh